Phần chìm của tảng băng!
20:56', 21/6/ 2011 (GMT+7)

Người tiêu dùng mỗi ngày thêm lo lắng trước các thông tin về chất phụ gia độc hại tìm thấy trong thực phẩm... Bất chấp biện pháp quyết liệt mà cơ quan quản lý vẫn thường nói, vệ sinh an toàn thực phẩm vẫn là lĩnh vực khó kiểm soát và ẩn chứa nhiều hiểm họa tiềm tàng.

Này là ớt bột, hạt dưa, hạt điều có Rhodamin B- là chất hóa học dùng để nhuộm giấy, màu sơn, vải sợi, da và nhựa - tuyệt đối cấm sử dụng trong thực phẩm và thuốc. Nếu tích tụ dần Rhodamin B trong cơ thể, nó gây nhiều tác hại đối với gan thận, hệ sinh sản, hệ thần kinh và là một tác nhân nghi ngờ gây ung thư. Một dạo, cơ quan “gác” miếng ăn của dân cũng cảnh báo khẩn về các loại thực phẩm dành cho bé trong giai đoạn ăn dặm có nguồn gốc lúa gạo đã được phát hiện có chứa các chất độc hại ở mức độ “báo động” như chì, asen và catmi. Gần đây nhất là vụ thạch rau câu và một loạt thực phẩm khác nằm trong danh sách chứa chất DEHP độc hại…

Các bà nội trợ cho rằng, không khó để tìm mua những hương liệu, hóa chất độc hại tạo nên những cốc nước cam đẹp mắt, cốc chè ngọt lịm hay bát bún riêu hấp dẫn...Bởi những chất đó  được bày bán công khai tại các chợ, hàng tạp hóa. Việc này cho thấy khâu quản lý thị trường bị buông lỏng quá nhiều, để cho những mặt hàng tiềm ẩn bao nguy cơ với sức khỏe con người này vẫn ”hiên ngang” có mặt trong các chợ đầu mối. Rồi từ đó tỏa ra các cửa hàng ăn uống, giải khát, các quán ăn vỉa hè và lẩn khuất đâu đó trong những sản phẩm đã được kiểm định.

Là người tiêu dùng, chẳng ai có thể tránh hết được mọi thực phẩm có thể ẩn chứa những hóa chất độc hại. Và, người tiêu dùng chỉ biết mong muốn và đặt niềm tin vào các cơ quan chức năng vì quyền lợi của người dân mà thật quyết liệt trong “cuộc chiến” để xóa sổ những nguy cơ tiềm ẩn này. Nhưng, việc kinh doanh chất phụ gia thực phẩm cũng như sử dụng chất phụ gia trong sản phẩm thực phẩm cung ứng ra thị trường vẫn hầu như đang nằm ngoài tầm kiểm soát. Ngay cả khi được cảnh báo là thực phẩm nghi có chất độc hại, thì không phải chất nào cơ quan y tế cũng có thể tìm ra được.

Trong các báo cáo của cơ quan y tế, hàng năm số vụ ngộ độc lớn không nhiều, chủ yếu vẫn là các vụ ngộ độc lẻ tẻ? Còn trên các tờ báo vẫn nhan nhản thông tin hàng trăm công nhân, hàng chục học sinh, hay hàng chục khách du lịch (trong đó có cả khách nước ngoài) bị ngộ độc thực phẩm. Một quan chức của cơ quan y tế thừa nhận, việc sử dụng chất phụ gia, các hóa chất công nghiệp tại nhiều cơ sở kinh doanh thực phẩm chế biến sẵn còn khá tùy tiện, chủ yếu theo ý thích thay vì theo hàm lượng cho phép nên rất dễ dẫn tới lợi bất cập hại đối với người tiêu dùng. Ngộ độc thực phẩm là chuyện hàng ngày ở bệnh viện, đến nỗi chẳng ai buồn quan tâm đến những ca ngộ độc thực phẩm lẻ tẻ.

Danh sách bị ngộ độc và mắc bệnh từ đồ ăn thức uống vẫn đang tiếp tục dài thêm mặc dù cơ quan quản lý các cấp về ATVSTP liên tục khuyến cáo... Vì thế, vệ sinh an toàn thực phẩm vẫn là phần chìm của tảng băng!

  • Đoàn Nguyên
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Mừng và lo  (19/06/2011)
Nỗi lo… trẻ cô đơn !  (18/06/2011)
“Lỗ hổng” quản lý !?   (17/06/2011)
Bản lĩnh và trí tuệ của nhà báo  (16/06/2011)
“Ghìm” giá thuốc?  (14/06/2011)
Đổi mới đề thi, đổi mới dạy học  (12/06/2011)
Người Việt với hàng Việt  (11/06/2011)
Văn hóa quảng cáo!  (11/06/2011)
Người tài là người như thế nào?  (09/06/2011)
“Ngày mai” sẽ hoàn thành!  (07/06/2011)
Nâng cao chất lượng dân số  (05/06/2011)
Trọng trách lớn lao !   (04/06/2011)
“Giá đá… lương” !?   (03/06/2011)
Giáo viên mầm non, bao giờ hết khó?  (02/06/2011)
Cấm cũng bằng không!  (31/05/2011)