Phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” đã được Thủ tướng Chính phủ chính thức phát động hôm 8.6. Phát biểu tại buổi lễ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh đến vị trí chiến lược của Nông nghiệp, nông dân và nông thôn trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; khẳng định đây là cơ sở và lực lượng quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội bền vững, giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm an ninh, quốc phòng cũng như giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, bảo vệ môi trường sinh thái của đất nước.
Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 – 2020 cũng đã đề ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2015 cả nước có 20% số xã và đến năm 2020 có 50% số xã đạt tiêu chuẩn Nông thôn mới. Ở tỉnh ta, sau khi làm điểm ở 3 xã Nhơn Lộc (huyện An Nhơn), Bình Thành (huyện Tây Sơn), Hoài Hương (huyện Hoài Nhơn), tỉnh cũng đặt ra mục tiêu đến năm 2015 sẽ có 26 xã, đến năm 2020 có 65 xã đạt tiêu chuẩn Nông thôn mới (tương ứng với tỉ lệ 20% và 50% tổng số xã khu vực nông thôn) .
Trong quá trình thực tế triển khai vừa qua cho thấy, nhiều địa phương, cán bộ chính quyền và người dân vẫn còn lúng túng, chưa hiểu đầy đủ nội dung về xây dựng nông thôn mới, hoặc có tâm lý trông chờ, thụ động. Do đó, bên cạnh tăng cường tuyên truyền để người dân và chính quyền cơ sở nhận thức đúng về chủ trương, chính sách xây dựng nông thôn mới, để phong trào nhân rộng, ngay từ bây giờ các địa phương phải tập trung hoàn thành công tác quy hoạch. Quy hoạch phải đi trước một bước và chỉ khi quy hoạch xong mới đầu tư, xây dựng hạ tầng, tập trung triển khai các tiêu chí nông thôn mới, gắn Cuộc vận động Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư với việc xây dựng nông thôn mới. Đặc biệt là không nên chỉ thiên về xây dựng các công trình cơ sở hạ tầng, mà còn phải chăm lo dạy nghề để nông dân sản xuất hiệu quả, có năng suất cao, cải thiện đời sống văn hóa tinh thần người dân…
Để phong trào thành công, nông dân phải là chủ thể của phong trào xây dựng nông thôn mới, phần lớn công việc phải do người dân thực hiện chứ Nhà nước không thể đầu tư toàn bộ. Bên cạnh nguồn lực đầu tư của Nhà nước phải huy động được nội lực của người dân vì đây không phải là một “dự án” rót tiền cho các địa phương. Huy động nội lực không chỉ đơn thuần là sự đóng góp vật chất của người dân, mà bằng nhiều hình thức khác như nông dân tham gia cải tạo nhà cửa, làm công trình vệ sinh hiện đại, áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào nông nghiệp… Xây dựng nông thôn Việt Nam trở nên giàu đẹp, hiện đại là nội dung rất quan trọng trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Những kết quả tích cực bước đầu thực hiện thí điểm và ý nghĩa, mục tiêu tốt đẹp của chương trình xây dựng nông thôn mới là cơ sở thực tế quan trọng tạo niềm tin cho người dân và là động lực cho phát triển phong trào.
|