Thương hiệu và chất lượng sản phẩm
19:52', 26/6/ 2011 (GMT+7)

Với việc công bố văn bằng bảo hộ nhãn hiệu tập thể “Rượu Bàu Đá” cho 53 doanh nghiệp, cơ sở và hộ cá nhân nấu rượu thuộc Hiệp hội Sản xuất - Kinh doanh rượu Bàu Đá Bình Định, việc tranh chấp pháp lý xung quanh thương hiệu “Rượu Bàu Đá” giữa tỉnh Bình Định và Công ty TNHH Thực phẩm Minh Anh (Đà Nẵng) đã có được kết thúc “có hậu”.

Đó là tín hiệu vui cho rượu Bàu Đá (RBĐ) và người sản xuất RBĐ Bình Định. Việc đăng ký thương hiệu sẽ mang lại cho chúng ta quyền hợp pháp sử dụng độc quyền thương hiệu đó (cùng với Công ty TNHH Thực phẩm Minh Anh). Bất cứ tổ chức hay cá nhân nào khác có ý định sử dụng thương hiệu đó cho ngành hàng hóa hay dịch vụ tương tự sẽ bị xử phạt thích đáng.

Tuy nhiên, việc giành lại được thương hiệu không có nghĩa là sẽ có được tất cả. Một nỗi lo đang hiện hữu khi số cơ sở sản xuất RBĐ có uy tín còn rất ít, RBĐ dỏm và không đảm bảo chất lượng đang được tung ra thị trường rất nhiều, làm ảnh hưởng đến thương hiệu và uy tín của làng nghề.

Hiện nay, ở nhiều địa phương trong tỉnh, đặc biệt là ở các đầu mối giao thông như bến xe, nhà ga, dọc quốc lộ đều có nhiều quầy hàng bán RBĐ dỏm; nhiều nhất là dọc hai bên Quốc lộ 1A và 19, đoạn đi qua địa phận huyện An Nhơn và ở khu vực ngã ba Cầu Gành (xã Phước Lộc - Tuy Phước). Còn ngay tại xã Nhơn Lộc, quê hương của RBĐ, việc nấu rượu cũng tràn lan, chất lượng thì… tùy theo yêu cầu của người mua.

Ở làng nghề, mặc dù ai cũng biết công thức nấu RBĐ, nhưng chỉ khi nào có người đặt hàng với giá cao thì họ mới nấu đúng theo công thức, còn không thì vẫn nấu rượu có chất lượng kém để có giá thấp, dễ bán. Ông Lê Quang Tâm, Chủ tịch Hiệp hội RBĐ Bình Định đã nhiều lần lên tiếng, yêu cầu chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng cần phải tăng cường kiểm tra, xử lý các cơ sở, các điểm kinh doanh RBĐ không phép, RBĐ dỏm để lập lại thị trường cho RBĐ, tránh chuyện “vàng thau” lẫn lộn.

Ông cũng đề nghị các ngành chức năng cần hỗ trợ trong việc xây dựng, khôi phục, phát triển làng nghề một cách đồng bộ, vững chắc và toàn diện; bao gồm cải tiến công nghệ, nâng cao và ổn định chất lượng sản phẩm. Ngoài ra, bản thân người dân trong làng nghề cũng phải ý thức giữ gìn thương hiệu của làng nghề, không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm.

Muốn thương hiệu có sức mạnh và sức sống lâu dài, phải luôn trung thành với cam kết chất lượng của mình trong bất kỳ hoàn cảnh nào. Thương hiệu càng mạnh, càng cần phải đảm bảo chữ tín của mình bằng cách thường xuyên nâng cao chất lượng sản phẩm đi đôi với cung cấp các thông tin, các thông điệp giới thiệu sản phẩm nhằm củng cố và phát triển thương hiệu mạnh hơn.

Chất lượng sản phẩm hàng hóa quyết định đến sự hình thành thương hiệu, đi kèm với nó là uy tín và giá cả. Thương hiệu hàng hóa không phải là cái gì cụ thể có thể nắm giữ được. Nó chỉ được hình thành khi chất lượng hàng hóa tốt, giá cả phù hợp, giữ được uy tín trên thương trường. 

  • Ngọc Minh
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Chung sức xây dựng nông thôn mới  (25/06/2011)
Chuyện… thi cử !?   (24/06/2011)
Xây dựng gia đình văn hóa  (23/06/2011)
Phần chìm của tảng băng!  (21/06/2011)
Mừng và lo  (19/06/2011)
Nỗi lo… trẻ cô đơn !  (18/06/2011)
“Lỗ hổng” quản lý !?   (17/06/2011)
Bản lĩnh và trí tuệ của nhà báo  (16/06/2011)
“Ghìm” giá thuốc?  (14/06/2011)
Đổi mới đề thi, đổi mới dạy học  (12/06/2011)
Người Việt với hàng Việt  (11/06/2011)
Văn hóa quảng cáo!  (11/06/2011)
Người tài là người như thế nào?  (09/06/2011)
“Ngày mai” sẽ hoàn thành!  (07/06/2011)
Nâng cao chất lượng dân số  (05/06/2011)