Trong khi xã hội đang dồn sự quan tâm cho kỳ thi đại học, cao đẳng năm 2011, thì nhiều người vẫn chưa nguôi câu chuyện không mấy vui về vụ 11 hội đồng chấm thi các tỉnh, thành ĐBSCL bắt tay nới lỏng chấm thi tốt nghiệp THPT trước đó.
Bộ GD-ĐT đã phải cay đắng thừa nhận đây là một khuyết điểm, gây ra sự lo lắng cho học sinh và gia đình, gây bức xúc trong xã hội. Bộ cũng đã đề nghị chủ tịch UBND các tỉnh, thành ở khu vực trên chỉ đạo kiểm điểm, xử lý các tập thể, cá nhân có sai phạm và thông báo kết quả về Bộ trước ngày 31.7. Nhưng dù có xử lý cách gì thì niềm tin đối với sự công bằng trong thi cử cũng khó lấy lại.
Trước đó, khi vụ việc chưa vỡ lỡ thì dư luận cũng đã phát sốt khi các tỉnh, thành đồng loạt công bố kết quả thi tốt nghiệp với những con số rất “đẹp”. Cả hai hệ THPT và giáo dục thường xuyên (GDTX) đều có tỉ lệ tốt nghiệp rất cao và đều tăm tắp. Vùng sâu, vùng xa, miền núi - những vùng lâu nay vẫn được coi là có điều kiện giáo dục còn nhiều khó khăn, thiếu thốn - cũng không chịu thua chị, kém em nhiều trong tỉ lệ đỗ tốt nghiệp.
Gây nhiều bất ngờ nhất là hệ GDTX với tỉ lệ đỗ tốt nghiệp tăng vù vù (18,76%) khiến cho nhiều người choáng váng. Đây có phải là kết quả thực chất, phản ánh đúng nỗ lực trong việc dạy và học ở bậc này hay chỉ là những con số “làm hàng”, màu mè của ngành Giáo dục?
Chính vì thế, thay vì phấn khởi chúc mừng ngành Giáo dục thì dư luận lại tiếp tục hoang mang vì những con số đẹp đến mức khó tin nổi này. Phải chăng căn bệnh chạy theo thành tích lại tái diễn? Nhà nước tốn kém biết bao công của để tổ chức một kỳ thi quốc gia nhưng đến khi có kết quả thì những người trong cuộc cũng chẳng mấy tin tưởng.
Còn nhớ, năm 2007, lãnh đạo Bộ GD-ĐT đã phát động cuộc vận động “Nói không với bệnh thành tích và tiêu cực trong thi cử”, gọi tắt là “hai không”. Nhiều người đã ví “hai không” như luồng gió mới làm lung lay tình trạng tiêu cực, trì trệ của giáo dục nước nhà thời gian trước đó. Tỉ lệ tốt nghiệp THPT năm 2007 tụt xuống còn 66,72%.
Bàng hoàng, nhưng nhiều người trong ngành GD-ĐT đã vui mừng vì hi vọng chất lượng giáo dục từ đó sẽ thay đổi. Người dân cũng bắt đầu tin tưởng vào sự chấn hưng giáo dục, từ việc ngăn chặn tiêu cực thi cử. Nhưng tiếc là điều đó đã không được duy trì. Năm 2008, tỉ lệ tốt nghiệp THPT bắt đầu tăng lên 75,96%; năm 2009 tăng lên 83,8%; năm 2010 tăng lên 92,57%; và năm nay là 95,72%.
Tỉ lệ tốt nghiệp cao hẳn nhiên sẽ được nhiều người vui. Nhưng cũng không còn nhiều người dám tin tỉ lệ này phản ánh được hiệu quả giáo dục. Có người còn nói thẳng, cuộc vận động “hai không” đã phá sản(!)
Việc vực lên một tỉ lệ tốt nghiệp thì dễ nhưng vực dậy niềm tin thì khó.
|