Bài trừ... “lá cải”
22:1', 9/7/ 2011 (GMT+7)

Trong những ngày gần đây, công luận đã liên tục lên tiếng phê phán sự lạm dụng thái quá xu hướng giật gân, câu khách rẻ tiền của một số tờ báo điện tử. Hàng loạt các tờ báo loại này đã tập trung khai thác đến mọi ngóc ngách chuyện đời tư của các nghệ sĩ để thu hút sự tò mò của người xem. Thậm chí, nhiều trường hợp còn dùng chiêu thức bóp méo sự thật, thổi phồng câu chuyện và dùng những từ ngữ cố ý gây sốc để câu khách.

Có thể nói các thông tin kiểu “báo lá cải” như vậy thực sự là những… “con sâu” hết sức nguy hiểm, làm ảnh hưởng xấu đến đời sống văn hóa tinh thần của xã hội và uy tín của báo chí. Đáng tiếc là những hành vi lệch lạc này đã diễn ra trong suốt một thời gian dài và có xu hướng tăng lên mạnh mẽ, nhưng lại không được chấn chỉnh và xử lí kịp thời. Theo phân tích của Tiến sĩ Nguyễn Thị Minh Thái, sở dĩ có tình trạng “lá cải hóa” báo chí như vậy, là vì “chỉ một chữ… tiền” của một số tờ báo. Các tờ báo muốn thu hút độc giả ngày càng nhiều, để “câu” được nhiều quảng cáo (đồng nghĩa với việc có được nhiều tiền), nên đã không ngần ngại “lá cải hóa” thông tin một cách vô tội vạ.

Đứng ở góc độ quản lý và pháp luật thì đây là một “lỗ hổng” lớn, có thể gây hại trên nhiều mặt của đời sống xã hội vì sự nhiễu loạn thông tin, làm sai lệch nhận thức về các chuẩn mực văn hóa, đạo đức, lối sống… Còn trên phương diện đạo đức nghề nghiệp báo chí thì đó là sự bóp méo đạo đức nghề nghiệp. Do vậy, đã đến lúc cơ quan quản lý cần tăng cường các biện pháp quản lý, đề ra các quy định chặt chẽ, có chế tài xử lí nghiêm khắc các vi phạm trong lĩnh vực này. Đặc biệt là các chế tài mạnh về kinh tế và luật pháp để có thể triệt tiêu động lực của xu hướng lá cải “vì một chữ tiền” rất nguy hại này.

Tuy nhiên, để giải quyết tận gốc vấn đề báo chí “lá cải” thì phải huy động sức mạnh tổng hợp trong xã hội cùng vào cuộc để cùng “nói không” với báo “lá cải”. Đầu tiên, bạn đọc là nhà quảng cáo, là công ty có nhu cầu quảng cáo hãy vì lợi ích cộng đồng đừng quảng cáo trên các tờ báo đi theo xu hướng “lá cải”. Về phía người tiêu dùng cũng cần bày tỏ thái độ phản đối một cách rõ ràng, quyết liệt bằng việc tẩy chay các sản phẩm hay dịch vụ xuất hiện trên các tờ báo “lá cải”. Về phía những người bị khai thác đời tư phơi bày thô bạo trên báo nên sử dụng quyền được luật pháp bảo vệ để kiện các báo “lá cải” đã xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của mình.

Quan trọng hơn cả, số đông người đọc cần có sự phân biệt các tờ báo chính thống và các tờ báo “lá cải” để đáp ứng nhu cầu thông tin của mình. Đặc biệt là các bậc cha mẹ, các thầy cô giáo, các tổ chức, đoàn thể cần có sự định hướng các địa chỉ lành mạnh, đáng tin cậy cho con em và học sinh trong việc tìm kiếm thông tin trên báo chí nói chung và báo mạng nói riêng.

Hy vọng với sự nỗ lực từ nhiều phía, xu hướng “lá cải hóa” báo chí sẽ được ngăn chặn và đẩy lùi hiệu quả, trả lại sự trong lành, yên ấm cho đời sống văn hóa tinh thần của xã hội.

  • H.Đ
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Vui - buồn... mùa thi!   (09/07/2011)
Nhất thể hóa: được và chưa được  (07/07/2011)
Bàn ghế học sinh: đã có chuẩn!  (06/07/2011)
“Bệnh” cũ tái phát?  (04/07/2011)
“Sân chơi” cho hàng Việt   (02/07/2011)
Tại sao không?   (01/07/2011)
Hành động vì trẻ em  (01/07/2011)
Thành tựu hay gánh nặng?  (28/06/2011)
Thương hiệu và chất lượng sản phẩm  (26/06/2011)
Chung sức xây dựng nông thôn mới  (25/06/2011)
Chuyện… thi cử !?   (24/06/2011)
Xây dựng gia đình văn hóa  (23/06/2011)
Phần chìm của tảng băng!  (21/06/2011)
Mừng và lo  (19/06/2011)
Nỗi lo… trẻ cô đơn !  (18/06/2011)