Để việc bồi dưỡng giáo viên có hiệu quả
19:59', 11/7/ 2011 (GMT+7)

Nhiều năm qua, việc bồi dưỡng giáo viên (GV) trong hè đã được thực hiện thường xuyên và nề nếp. Các cơ quan quản lý giáo dục luôn cố gắng tổ chức các lớp học một cách hợp lý về thời gian và đã chú trọng đến lĩnh vực chuyên môn, nghiệp vụ cho GV. Qua những đợt học tập, bồi dưỡng, nhận thức chính trị, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của GV được nâng lên và cơ bản đã đáp ứng được những yêu cầu của việc giảng dạy ở trường phổ thông.

Về lý thuyết, không thể phủ nhận ý nghĩa tích cực của việc học tập, bồi dưỡng trong hè nhưng trên thực tế, nhiều GV không mấy hứng thú với hoạt động này. Theo một số GV thì không phải nội dung những chuyên đề tập huấn không thiết thực, hấp dẫn mà do cách tổ chức, triển khai của các báo cáo viên chưa thật linh hoạt, chưa tạo được sự tương tác thực sự giữa báo cáo viên với học viên, giữa học viên với học viên. Để nâng cao tính thiết thực của việc học tập, bồi dưỡng trong hè của GV, nên chăng ban tổ chức cần cải tiến cách học để vừa phù hợp với tâm lý GV, vừa đạt được hiệu quả mong muốn. Về vấn đề này, chúng tôi xin có vài ý kiến trao đổi như sau.

Cần giảm đến mức tối đa hình thức học theo kiểu báo cáo viên “miệt mài” đọc tài liệu, thậm chí còn đọc chậm cho GV chép những vấn đề đã có trong tài liệu tập huấn. Thực tế, nhiều khi báo cáo viên cũng cảm thấy không tự tin khi đứng trước đối tượng là những đồng nghiệp mà trong đó không ít người có trình độ chuyên môn và nghiệp vụ sư phạm vững vàng. Sự thiếu tự tin của người báo cáo, cộng với cách truyền đạt theo kiểu “đọc - chép”, khiến cho GV không tập trung, thậm chí rất mỏi mệt.

Nên dành phần lớn thời gian tập huấn cho thảo luận. Muốn tổ chức các buổi học bằng hình thức thảo luận, ban tổ chức và các báo cáo viên được phân công phụ trách các lớp học cần nghiên cứu kỹ chương trình bồi dưỡng, sau đó phân rã vấn đề về cho các trường để họ chuẩn bị trước khi tham gia tập huấn. Gửi tài liệu đến GV ít nhất là 1 tuần trước khi lớp tập huấn khai mạc. Trong mỗi lớp học (thường có khoảng 35-40 GV của nhiều trường), cần biên chế thành nhiều nhóm, mỗi nhóm khoảng 5-7 người do nhóm trưởng điều hành. GV tham gia tập huấn sẽ làm việc theo nhóm trên cơ sở vấn đề mà lớp học phân công. Các thành viên trong nhóm sẽ hợp tác để xây dựng nội dung, sau đó cử người trình bày, bảo vệ trước lớp. Mỗi vấn đề thảo luận nên phân 2 nhóm thực hiện để có sự đối chiếu, so sánh rút ra những kết luận thuyết phục nhất. Những vấn đề đưa ra thảo luận phải có tính thiết thực, chẳng hạn những vấn đề vướng mắc trong chương trình hay việc vận dụng các phương pháp mới vào một bài giảng cụ thể…

Kết thúc đợt tập huấn, báo cáo viên phụ trách các lớp học cần hệ thống những vấn đề đã được đúc kết qua thảo luận, hình thành tập tài liệu để GV vận dụng vào việc giảng dạy.

Thay đổi một cách làm phù hợp với yêu cầu của đa số GV và hoàn toàn có thể thực hiện ngay được, thiết nghĩ, rất cần được cân nhắc, xem xét.

  • Truyền Chương
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Bài trừ... “lá cải”  (09/07/2011)
Vui - buồn... mùa thi!   (09/07/2011)
Nhất thể hóa: được và chưa được  (07/07/2011)
Bàn ghế học sinh: đã có chuẩn!  (06/07/2011)
“Bệnh” cũ tái phát?  (04/07/2011)
“Sân chơi” cho hàng Việt   (02/07/2011)
Tại sao không?   (01/07/2011)
Hành động vì trẻ em  (01/07/2011)
Thành tựu hay gánh nặng?  (28/06/2011)
Thương hiệu và chất lượng sản phẩm  (26/06/2011)
Chung sức xây dựng nông thôn mới  (25/06/2011)
Chuyện… thi cử !?   (24/06/2011)
Xây dựng gia đình văn hóa  (23/06/2011)
Phần chìm của tảng băng!  (21/06/2011)
Mừng và lo  (19/06/2011)