Hàng quý, hàng năm, ngành bảo hiểm xã hội (BHXH) đều làm một động thái là thống kê số doanh nghiệp (DN) nợ BHXH kéo dài để… đòi nợ. Lý giải nguyên nhân để nợ BHXH dài hạn, các DN viện nhiều lý do: giá cả tăng cao, lãi suất vay ngân hàng nhảy vọt, DN làm ăn thua lỗ; nguồn hàng không ổn định nên số lao động cũng thay đổi theo… Thậm chí, có chủ DN còn vô tư cho rằng một số nhân viên không tham gia BHXH là do tự nguyện nên cũng không ép được (?).
Các DN kinh doanh khó khăn là điều có thật, tuy nhiên, họ lại để nợ quá lâu. Sau khi liên tục được BHXH ở các địa phương nhắc nhở, thậm chí kiểm tra và lập biên bản yêu cầu trả nợ nhưng vẫn không thực hiện. Trong đợt kiểm tra khá dài hơi của đoàn liên ngành tỉnh vào cuối năm 2010 cho thấy, số DN nợ BHXH đã lên đến hàng trăm, tiền nợ lên đến hàng chục tỉ đồng. Điều đó đồng nghĩa với việc quyền lợi của hàng ngàn người lao động bị chính doanh nghiệp… treo lơ lửng. Quý I năm 2011, thống kê của ngành BHXH tỉnh cho thấy, danh sách DN nợ BHXH cũng chẳng giảm được đơn vị nào. Và điều đáng nói là trong số hàng trăm DN nợ BHXH, nhiều DN làm ăn có lãi hẳn hoi cũng chơi “bài” chiếm dụng tiền chế độ của người lao động.
Nếu không có một biện pháp xử lý kiên quyết thì sẽ tạo tiền lệ xấu, các DN thấy tiền phạt quá thấp, lãi chậm nộp cũng thấp nên chây ỳ không chịu nộp. Tuy nhiên, bài toán xử lý các DN nợ BHXH nhiều năm rồi vẫn chưa có đáp án. Đầu năm 2011, ngành BHXH tỉnh đã đưa ra một giải pháp thành lập các tổ theo dõi, giám sát và đốc thúc các DN trả nợ; nếu các DN vẫn tiếp tục dây dưa thì lập danh sách để khởi kiện ra tòa.
Nhiều ý kiến cho rằng, khởi kiện các DN nợ BHXH là chuyện trước sau phải làm. Nhưng từ giờ đến lúc đó còn phải qua rất nhiều công đoạn, thủ tục, không đơn giản như chuyện “mớ rau, con cá”. Ngay tại TP Hồ Chí Minh, DN nợ BHXH khiến người lao động bị thiệt thòi, những tưởng khi cơ quan BHXH kiện đòi nợ DN, quyền lợi của người lao động được phục hồi nhưng cuối cùng người lao động cũng chịu thiệt. Bởi sau khi khởi kiện, cơ quan BHXH cũng rất khó bổ sung thời gian đóng BHXH cho người lao động vì trong thực tế việc tự giác trả nợ của DN rất hiếm và thi hành án cũng “cực trăm bề”.
Thực tế ở nhiều địa phương cho thấy, những DN xem trọng thương hiệu của mình mới sợ bị kiện; còn những DN chây ì thì... thua, có kiện cũng chẳng làm gì được họ. Giám sát việc thực hiện pháp luật lao động của DN không nổi, tăng mức xử phạt thì không được chấp nhận, khởi kiện không mang lại kết quả... Cái vòng luẩn quẩn này đã kéo dài hàng chục năm qua, các cơ quan chức năng kiến nghị không biết bao nhiêu lần nhưng chưa tháo gỡ được.
Trong khi chờ các kiến nghị bổ sung các văn bản dưới luật quy định các DN nợ BHXH phải giải quyết các chế độ cho người lao động trong thời gian không đóng hoặc nợ BHXH; bổ sung hành vi vi phạm pháp luật lao động phải được xem là vi phạm hình sự để có biện pháp chế tài phù hợp; xử phạt vi phạm tỉ lệ theo số tiền nợ BHXH của DN được chấp nhận… thì lúc này, có lẽ, cũng chỉ còn giải pháp đánh vào uy tín của các DN mà thôi!
|