Sắp xếp cán bộ tại một cơ quan, đơn vị sao cho hợp lý không chỉ giúp cơ quan, đơn vị đó tạo ra một guồng máy hoạt động đều tay, mà còn góp phần củng cố mối đoàn kết trên tinh thần đồng chí, đồng nghiệp.
Trước nay, công tác tổ chức cán bộ thường chú trọng đến năng lực, phẩm chất cán bộ mà dường như bỏ qua tính cách, khí chất. Tính cách của mỗi con người được hình thành gắn liền với tâm sinh lý của cá nhân. Có người bộc trực, nóng nảy; có người ôn hòa, chín chắn, nhẹ nhàng; có kẻ cơ hội, nịnh trên, nạt dưới… Trong xử lý công việc, tính cách ấy chi phối không ít đến cách xử lý và hiệu quả công việc.
Nếu trong một cơ quan, việc sắp xếp cán bộ lãnh đạo cùng cấp tính cách tương đồng với nhau về độ nóng nảy, bộc trực, việc giải quyết công việc sẽ theo chiều hướng chủ quan, độc đoán hoặc phiến diện. Cán bộ có cùng tính khí ôn hòa, nhẹ nhàng, ít nhiều thiếu tính cương quyết, việc phối hợp để giải quyết một nhiệm vụ thường không nhanh chóng…
Nếu hai cán bộ có cùng thẩm quyền, hoặc cấp trên - cấp dưới phụ trách xử lý cùng một công việc, nhưng tinh thần trách nhiệm không tương ứng cũng dễ gây mất đoàn kết. Nếu hai cán bộ lãnh đạo cùng có “cái tôi” quá lớn mà quên đi trách nhiệm với công việc, với tập thể, thì dù năng lực xử lý có tốt đến đâu, hiệu quả công việc cũng sẽ không thể gọi là mỹ mãn.
Sắp xếp cán bộ sao cho hợp lý trong một cơ quan, tổ chức vẫn là một bài toán khó. Nếu chỉ đơn thuần quan niệm “lấy chỗ này lấp chỗ kia”, luân chuyển cán bộ nơi này đến làm việc ở nơi khác mà không quan tâm đến tính cách và thăm dò ý kiến ở nơi được chuyển đến, cán bộ đó sẽ khó thể hiện tốt khả năng và hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Sắp xếp cán bộ hài hòa về tính cách, sao cho tính cương quyết, nóng nảy được dung hòa bởi sự nhu mì, chín chắn, ôn hòa trên tinh thần trách nhiệm cao với công việc. Khi tìm thấy điểm chung trong mối quan hệ này, hiệu quả công việc sẽ được nâng cao, tinh thần góp ý, phê bình sẽ xây dựng hơn.
|