Đô thị bị quá tải bởi tiếng ồn, bụi bặm; nông thôn đau đầu bởi rác thải, ô nhiễm đất và ô nhiễm do hóa chất nông nghiệp. Nhiều ý kiến cho rằng, ô nhiễm môi trường xuất hiện song song với quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa nhanh chóng; đi kèm là sự tụt hậu trong việc xây dựng các cơ sở hạ tầng xã hội như hệ thống thoát nước… Hệ lụy là không chỉ ở đô thị mà ngay cả vùng nông thôn, các khu, cụm công nghiệp và khu dân cư nằm liền kề nhau.
Mới đây, Viện Y học lao động và vệ sinh môi trường, Bộ Y tế, đã công bố số liệu cho thấy 80% bệnh tật ở người có liên quan đến môi trường. Trong đó, chủ yếu tập trung vào nguyên nhân do người dân đã và đang tiếp xúc, sử dụng nguồn nước chứa chất thải ô nhiễm. Thống kê này cũng cho thấy, trên cả nước có khoảng 200 ngàn người mắc các bệnh về ung thư; mỗi năm có hàng ngàn người tử vong mà nguyên nhân một phần là do môi trường sống ngày càng bị ô nhiễm nghiêm trọng.
Tại Bình Định, nhiều năm qua, trong các cuộc tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND các cấp, người dân rất bức xúc và lo lắng về hàng loạt xóm, làng “ung thư” ở các huyện An Nhơn, Phù Cát, Phù Mỹ, Hoài Nhơn… Ngành Y tế đã thực hiện nhiều đợt điều tra và kết quả cho thấy nguồn nước và môi trường sống của nhiều khu dân cư đang bị ô nhiễm. Gần đây nhất điều tra tại 2 xã Cát Trinh và Cát Tân (huyện Phù Cát), cho thấy: Nguy cơ chính gây ô nhiễm nguồn nước là từ phân người, phân gia súc và sản xuất nông nghiệp. Kết quả khảo sát 30 giếng nước và lấy 12 mẫu nước giếng hộ gia đình để xét nghiệm, đánh giá các yếu tố nguy cơ tại thôn Phong An (Cát Trinh) và thôn Kiều An (Cát Tân), cho thấy: 9/10 mẫu không đạt chỉ tiêu vi sinh vật và 5/12 mẫu không đạt chỉ tiêu hóa lý.
Và sau mỗi đợt điều tra, ngành Y tế đều đưa ra kiến nghị cần đảm bảo nguồn nước sạch thay thế nguồn nước giếng đang bị ô nhiễm; tăng cường tuyên truyền, giải thích cho nhân dân các biện pháp vệ sinh phòng bệnh, cải thiện vệ sinh môi trường, giảm thiểu nguy cơ ô nhiễm nguồn nước từ phân gia súc, chất thải sinh hoạt và ruộng lúa…
Nhưng việc giải quyết ô nhiễm là không dễ và rất tốn kém. Đối với các tác nhân gây ra ô nhiễm nguồn nước và ô nhiễm không khí, các chính sách kiểm soát và xử lý ô nhiễm hiện nay còn nhẹ, chưa có tính răn đe. Các tiêu chuẩn về khí thải và nước thải đã có nhưng rất khó cưỡng chế thi hành một cách nghiêm ngặt. Luật Bảo vệ môi trường ra đời năm 2005, nhưng trên thực tế, có rất nhiều vấn đề cần được quy định sâu hơn, cụ thể hơn thì mới đảm bảo Luật này được thi hành nghiêm chỉnh.
Khi nạn ô nhiễm môi trường vẫn nặng nề thì chính sách kiểm soát môi trường cần phải được thay đổi.
|