Hậu quả nhãn tiền
23:26', 21/7/ 2011 (GMT+7)

Mới đây, Báo Bình Định có đăng bài “Xứ Dừa sốt dừa”, phản ánh tình trạng giá dừa cao nhưng năng suất cây dừa Hoài Nhơn lại giảm. Ngoài thủ phạm chính được xác định là bọ dừa gây hại, theo tôi, còn một nguyên nhân khác đó là hậu quả việc tận thu cây dừa trong một thời gian dài.

Cách đây vài ba tháng, có dịp về Hoài Nhơn, tôi đã nghe không ít người đi thu hái dừa tận vườn và các chủ vựa dừa cảnh báo về kiểu tận thu một lần, hái sạch dừa non lẫn dừa già, kể cả dừa chưa đóng tớt (cơm dừa) như hiện nay sẽ làm cho cây dừa xuống sức, mau cỗi, không thể cho trái sai được như xưa nữa. “Lẽ ra, khi hái dừa, người ta chỉ hái trái già, trái non để lại, làm cỏ, bón phân để cây dừa tiếp tục sinh trưởng tốt thì đằng này họ lại hái sạch. Cây cũng giống như một con người, bắt nó làm việc, lao lực quá độ thì sao mà không xuống sức được…” - một chủ vựa dừa ở Hoài Nhơn đã bức xúc nói vậy.

Thiết nghĩ, chuyện cây dừa ở xứ Dừa cũng chẳng khác gì câu chuyện nông dân ồ ạt thả nuôi tôm giống bất chấp khuyến cáo của ngành chức năng, để rồi dịch bệnh tôm xảy ra, tôm chết hàng loạt, cả làng, cả xã phải cõng nợ mấy năm trước ở một huyện nọ. Hay chuyện gần đây nhất là tình trạng tận thu titan. Hàng trăm ha rừng dương lâu nay vốn là vành đai chắn cát biển, giữ mạch nước ngầm đã bị triệt hạ không thương tiếc thành các bãi khai thác titan. Môi trường sống bị hủy hoại nghiêm trọng, người dân trong vùng phải chung sống với cảnh cát bay, nguồn nước ngầm cạn kiệt dần.

Hậu quả nhãn tiền của việc khai thác ồ ạt, bất chấp hậu quả không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến “nồi cơm, bát gạo” của mỗi gia đình mà còn ảnh hưởng đến sức khỏe của từng người dân, cộng đồng. Thay đổi tập quán canh tác, nuôi trồng thực ra không khó. Bởi một khi đã ý thức được việc mình làm sẽ trực tiếp ảnh hưởng đến nguồn lợi của mình, người dân sẽ biết cách điều chỉnh, thay đổi theo chiều hướng tốt. Nhưng cải tạo lại môi trường đã mất thì không dễ! Ngay như chuyện đơn giản là yêu cầu các doanh nghiệp sau khi khai thác ti tan phải hoàn thổ, trồng lại cây xanh, trả màu xanh cho đất thì trên thực tế, các doanh nghiệp vẫn cố tình bỏ qua “công đoạn” này hoặc nếu có thì cũng chỉ làm quấy quá cho xong. Kết quả là người dân trong vùng “lãnh đủ” những tác động xấu do môi trường bị ô nhiễm.

Hậu quả nhãn tiền - chuyện không nói ai cũng biết. Nhưng kêu gọi trách nhiệm của các nhà quản lý, của các cơ quan chức năng, các doanh nghiệp và mỗi người đừng vì cái lợi trước mắt mà làm mất cái lợi lâu dài, dẫu biết là cũ nhưng vẫn nói mãi. 

  • Bảo Ngân 
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Ô nhiễm môi trường  (19/07/2011)
Chống bệnh thành tích  (17/07/2011)
Gắn liền với thực tiễn  (16/07/2011)
Hướng về nông thôn   (15/07/2011)
Bàn thêm về sắp xếp cán bộ  (14/07/2011)
Đánh vào uy tín doanh nghiệp?  (12/07/2011)
Để việc bồi dưỡng giáo viên có hiệu quả   (11/07/2011)
Bài trừ... “lá cải”  (09/07/2011)
Vui - buồn... mùa thi!   (09/07/2011)
Nhất thể hóa: được và chưa được  (07/07/2011)
Bàn ghế học sinh: đã có chuẩn!  (06/07/2011)
“Bệnh” cũ tái phát?  (04/07/2011)
“Sân chơi” cho hàng Việt   (02/07/2011)
Tại sao không?   (01/07/2011)
Hành động vì trẻ em  (01/07/2011)