Từ chuyện… “bể nồi cơm” !
20:20', 22/7/ 2011 (GMT+7)

Một cán bộ quản lý của một trường đại học dân lập than vắn thở dài về việc một trường đại học công lập trên cùng địa bàn “bỗng dưng” xin được chỉ tiêu đào tạo hệ… trung cấp kể từ niên khóa tới. Không những thế, trường này còn… “xin” được cơ chế đào tạo liên thông từ trung cấp lên tới tận bậc… đại học luôn (!).

“Nếu làm như vậy, hệ quả tất yếu xảy ra là trường dân lập tụi tui sẽ bị… “bể nồi cơm” ngay lập tức” - Vị này lý giải. Chẳng nói thì ai cũng rõ, lâu nay trường dân lập sống được là nhờ đón “gạo dưới sàng”, tức là các thí sinh không được tuyển vào các trường đại học công lập, nên còn tuyển được sinh viên vào học. Nay trường đại học công lập lại tuyển luôn từ trung cấp tới đại học thì trường dân lập sẽ mất nguồn tuyển. Bể nồi cơm là vì thế.

Tuy nhiên chuyện “bể nồi cơm” của một cơ sở đào tạo chưa phải là chuyện lớn. Vấn đề quan trọng hơn là chuyện khập khiễng trong việc  đào tạo nguồn nhân lực và nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội do phong trào “đại học hóa” các cơ sở đào tạo trung cấp, cao đẳng và nay là “trung cấp hóa” trường đại học gây ra.

Hiện nay, nguồn nhân lực của Việt Nam lại đang mất cân đối và ngày càng tụt hậu so với khu vực và thế giới. Thừa, thiếu nhân lực đang xảy ra ở nhiều ngành nghề do cơ cấu đào tạo bất hợp lý thể hiện qua các tỉ lệ: đại học và trên đại học là 1, trung học chuyên nghiệp là 1,3, công nhân kỹ thuật là 0,9 trong khi trên thế giới tỉ lệ tương ứng là 1-4-10. Sinh viên các ngành kinh tế, ngoại ngữ, luật, công nghệ thông tin... quá nhiều, trong khi các ngành rất cần thiết cho phát triển kinh tế của đất nước như nông, lâm, ngư nghiệp, khoa học - công nghệ... lại ít người theo học.

Theo số liệu thống kê năm 2010, trong số 20,1 triệu lao động đã qua đào tạo trên tổng số 48,8 triệu lao động đang làm việc, chỉ có 8,4 triệu người có bằng cấp, chứng chỉ do các cơ sở đào tạo trong nước và nước ngoài cấp. Theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, 44% số doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài phải tổ chức đào tạo lại cho lao động của mình. Còn theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới, chất lượng nguồn nhân lực của Việt Nam đang ở mức thấp so với các nước khác, xếp thứ 11/12 nước châu Á tham gia xếp hạng...

Rõ ràng, tình trạng “xập xí xập ngầu” trong công tác đào tạo nhân lực, theo kiểu “đại học trăm hoa” hay liên thông từ trung cấp tới đại học, là một trong những nguyên nhân làm cho hiệu quả đầu tư giáo dục kém, chất lượng lao động tụt hậu so với các nước trong khu vực. Đã đến lúc cần hoạch định chiến lược và có chính sách giáo dục và đào tạo phù hợp để giải quyết tận gốc những tồn tại “thâm căn” trong lĩnh vực đào tạo nguồn nhân lực. Cần phải thay đổi mạnh mẽ cơ cấu đào tạo hiện nay, nhanh chóng xóa tình trạng “thừa thầy thiếu thợ”, thực hiện chính sách tuyển dụng công bằng, hợp lý, trọng dụng nhân tài. Hướng đến mục tiêu đào tạo đội ngũ nhân lực có kiến thức cơ bản và kỹ năng cần thiết, chất lượng cao đáp ứng được nhu cầu của xã hội và sự phát triển của đất nước.

  • Minh Huyền
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Hậu quả nhãn tiền  (21/07/2011)
Ô nhiễm môi trường  (19/07/2011)
Chống bệnh thành tích  (17/07/2011)
Gắn liền với thực tiễn  (16/07/2011)
Hướng về nông thôn   (15/07/2011)
Bàn thêm về sắp xếp cán bộ  (14/07/2011)
Đánh vào uy tín doanh nghiệp?  (12/07/2011)
Để việc bồi dưỡng giáo viên có hiệu quả   (11/07/2011)
Bài trừ... “lá cải”  (09/07/2011)
Vui - buồn... mùa thi!   (09/07/2011)
Nhất thể hóa: được và chưa được  (07/07/2011)
Bàn ghế học sinh: đã có chuẩn!  (06/07/2011)
“Bệnh” cũ tái phát?  (04/07/2011)
“Sân chơi” cho hàng Việt   (02/07/2011)
Tại sao không?   (01/07/2011)