Cải cách đồng bộ và triệt để tiền lương
17:59', 24/7/ 2011 (GMT+7)

Thủ tướng Chính phủ vừa ký ban hành Nghị định 54/2011/NĐ-CP quy định Chế độ phụ cấp thâm niên đối với nhà giáo. Theo đó, nhà giáo đủ 5 năm giảng dạy, giáo dục được tính hưởng mức phụ cấp thâm niên bằng 5% của mức lương hiện hưởng cộng phụ cấp chức vụ lãnh đạo và phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có). Từ các năm sau trở đi, phụ cấp thâm niên mỗi năm được tính thêm 1%. Chế độ phụ cấp thâm niên được tính hưởng từ ngày 1.5.2011.

Như vậy, cùng với chế độ phụ cấp ưu đãi được áp dụng từ năm 1995 (từ 25-70%), chế độ phụ cấp thâm niên lần này sẽ góp phần cải thiện đời sống nhà giáo vốn còn nhiều khó khăn. Thông tin trên là niềm vui không chỉ đối với 1 triệu nhà giáo cả nước mà còn đối với những ai quan tâm đến sự nghiệp giáo dục nước nhà. Bởi nhà giáo là “nhân vật trung tâm” làm nên chất lượng giáo dục, họ đáng được quan tâm để có thể yên tâm tu dưỡng nghề nghiệp, phụng sự sự nghiệp trồng người.

Cùng với các nhà giáo, trước đó một số ngành thuộc khối nội chính cũng đã được hưởng chế độ phụ cấp thâm niên tương tự. Và cũng có nhiều lý do xác đáng được viện dẫn để thực hiện chế độ ưu đãi này.

Nhưng xem ra cách làm này vẫn còn mang tính chắp vá “con khóc, mẹ cho bú” dễ xảy ra thắc mắc không đáng có. Chế độ phụ cấp thâm niên đang được áp dụng ở một số ngành sẽ có nhiều người vui nhưng cũng sẽ có nhiều người cảm thấy chạnh lòng vì chưa được quan tâm. Chẳng lẽ cán bộ, công chức các ngành y tế, văn hóa, xã hội và nhiều ngành khác trong hệ thống chính trị của Nhà nước ta lại không quan trọng, không cần được quan tâm?

Bởi vậy dư luận đòi hỏi một sự cải cách tiền lương đồng bộ, triệt để và khoa học hơn. Kể từ năm 1985 đến nay, chúng ta đã nhiều lần cải cách tiền lương công chức nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu, còn quá nhiều bất cập, gây nên mâu thuẫn về tiền lương với giá trị lao động trên thị trường lao động.

Điều này xuất phát từ nhiều khó khăn mà các cơ quan chức năng phải đối mặt trên lộ trình cải cách tiền lương. Vật cản lớn nhất có thể kể đến hiện nay là giới hạn từ nguồn thu ngân sách nhà nước, trong khi bộ máy dù đã được tinh gọn song vẫn còn khá cồng kềnh, vượt quá khả năng của ngân sách nhà nước.

Vậy có giải pháp nào để giải quyết cho vấn đề đã, đang tồn tại quá lâu này không? Đã có nhiều đề xuất khác nhau về giải pháp, thậm chí đòi hỏi tư duy mới về cải cách tiền lương, nghĩa là phải chú ý tới nền kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế và theo đó cần nhìn vấn đề theo quan điểm hệ thống nền công vụ, gắn liền với mô hình tổ chức nhà nước và mô hình kinh tế trong từng giai đoạn. Cũng có giải pháp đòi hỏi đột phá về cách tiếp cận tiền lương như trả lương theo từng vị trí công vụ khác nhau trong hệ thống cùng với quá trình chuyển đổi từ hệ thống chức nghiệp sang hệ thống vị trí việc làm.

Tiền lương luôn là mối quan tâm hàng đầu, là động lực làm việc của người lao động trong bất kỳ tổ chức nào. Vì thế, việc xây dựng một chính sách tiền lương hợp lý là rất quan trọng để giữ chân người tài trong tổ chức, đặc biệt là trong các cơ quan nhà nước hiện nay khi mà làn sóng ra đi của những cán bộ, công chức có năng lực thực sự trở thành mối lo ngại của các nhà lãnh đạo.

  • Ngọc Minh
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Nên được đầu tư nâng cấp nhiều hơn  (24/07/2011)
An sinh & người nghèo  (23/07/2011)
Từ chuyện… “bể nồi cơm” !  (22/07/2011)
Hậu quả nhãn tiền  (21/07/2011)
Ô nhiễm môi trường  (19/07/2011)
Chống bệnh thành tích  (17/07/2011)
Gắn liền với thực tiễn  (16/07/2011)
Hướng về nông thôn   (15/07/2011)
Bàn thêm về sắp xếp cán bộ  (14/07/2011)
Đánh vào uy tín doanh nghiệp?  (12/07/2011)
Để việc bồi dưỡng giáo viên có hiệu quả   (11/07/2011)
Bài trừ... “lá cải”  (09/07/2011)
Vui - buồn... mùa thi!   (09/07/2011)
Nhất thể hóa: được và chưa được  (07/07/2011)
Bàn ghế học sinh: đã có chuẩn!  (06/07/2011)