Chớ “đầu voi, đuôi chuột”!
20:22', 26/7/ 2011 (GMT+7)

Trước thời điểm bước vào năm học mới, Bộ GD-ĐT yêu cầu các Sở GD-ĐT tham mưu với chính quyền địa phương kiểm soát chặt chẽ các cơ sở kinh doanh dịch vụ, cấm các loại hàng rong bán thực phẩm không đủ điều kiện vệ sinh, an toàn thực phẩm (VSATTP), các sản phẩm không tốt cho học sinh như “kẹo thuốc lá”, “kẹo Ben 10”… xung quanh các trường học. Sở GD-ĐT chủ động báo cáo cho Bộ khi xảy ra những trường hợp ngộ độc thực phẩm tại địa bàn quản lý.

Dù rất hoan nghênh với chỉ đạo của Bộ GD-ĐT “mạnh tay” với vấn nạn hàng rong, quà vặt không đảm bảo VSATTP trước cổng các trường học nhưng dư luận cũng không khỏi băn khoăn, liệu chế tài có đủ mạnh hay cũng chỉ là “đầu voi, đuôi chuột”?

Điều dễ nhận thấy, cổng trường học thường là nơi tụ tập nhiều loại hàng bán rong với đầy đủ các món ăn, thức uống, đồ chơi… khá thu hút các em học sinh. Nhưng đó cũng là nguồn tiềm ẩn nguy cơ mất VSATTP và đã gây ra không ít hậu quả đáng tiếc. Những loại hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, không ghi hạn sử dụng, lạm dụng phẩm màu chế biến cho bắt mắt, bảo quản không đúng quy trình, không hợp vệ sinh là đặc điểm chung của hầu hết các loại hàng rong bày bán trước cổng các trường học. Nắm được tâm lý tò mò, hiếu kỳ và đặc tính thích ăn quà vặt của tuổi học trò, nhiều người đã chọn cổng trường học để bán hàng. Tại đây, vào mọi lúc, nhất là thời điểm đầu và cuối giờ học, số người bán hàng rong luôn túc trực để sẵn sàng phục vụ các “thượng đế” nhỏ tuổi mà giá của các mặt hàng này rất phải chăng và phù hợp với túi tiền của phần lớn học sinh.

Điều đáng nói là các trường học chỉ quản được giáo viên và học sinh trường mình trên địa bàn từ cổng trường trở vào, chứ không thể quản được những việc ngoài cổng trường với những người buôn bán không thuộc ngành Giáo dục.

Điều này cũng đã từng xảy ra với các bệnh viện. Từng có rất nhiều ý kiến bức xúc xung quanh việc mua bán hàng rong trước cổng các bệnh viện. Chuyện này cũng đã trở thành chuyện nóng ở các bàn nghị sự. Thậm chí có bệnh viện nhờ cả công an trật tự vào cuộc, nhưng chỉ im ắng được một thời gian ngắn, rồi tình trạng buôn bán “ì xèo” ở trước cổng các bệnh viện lại sôi động trở lại.

Thật ra, hàng rong, quà vặt tồn tại trước cổng trường, bệnh viện bởi chúng có nhiều “đất sống”, mà quan trọng nhất là “tiện” và phù hợp với túi tiền của nhiều người. Vì thế, nếu các trường học, các bệnh viện không kết hợp với chính quyền, công an địa phương; đồng thời, không tổ chức tốt căng-tin ngay trong khuôn viên trường học và bệnh viện thì việc kiểm soát và giải quyết những bất cập trước và quanh cánh cổng của mình xem ra không dễ dàng chút nào!

  • Trâm Anh
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Cải cách đồng bộ và triệt để tiền lương  (24/07/2011)
Nên được đầu tư nâng cấp nhiều hơn  (24/07/2011)
An sinh & người nghèo  (23/07/2011)
Từ chuyện… “bể nồi cơm” !  (22/07/2011)
Hậu quả nhãn tiền  (21/07/2011)
Ô nhiễm môi trường  (19/07/2011)
Chống bệnh thành tích  (17/07/2011)
Gắn liền với thực tiễn  (16/07/2011)
Hướng về nông thôn   (15/07/2011)
Bàn thêm về sắp xếp cán bộ  (14/07/2011)
Đánh vào uy tín doanh nghiệp?  (12/07/2011)
Để việc bồi dưỡng giáo viên có hiệu quả   (11/07/2011)
Bài trừ... “lá cải”  (09/07/2011)
Vui - buồn... mùa thi!   (09/07/2011)
Nhất thể hóa: được và chưa được  (07/07/2011)