Dân ta phải biết sử ta
20:48', 31/7/ 2011 (GMT+7)

Thống kê điểm thi từ các trường đại học cho thấy điểm thi môn Lịch sử ở hầu hết các trường thấp không ngờ. Hầu hết các trường, tỉ lệ thí sinh đạt điểm thi môn Sử từ trung bình trở lên chỉ chiếm từ 0,3-5%. Nhiều trường đại học có trên 98% bài thi môn Sử dưới điểm trung bình, thậm chí có trường chỉ một thí sinh đạt điểm trung bình.

Tại Trường Đại học Quy Nhơn, điểm thi môn Lịch sử có khá hơn nhưng cũng chỉ có 4,1% trong tổng số 2.547 thí sinh đạt điểm trung bình trở lên. Điều đáng nói là có đến 139 thí sinh 0 điểm môn Sử. Một cán bộ chấm thi trường này ngao ngán: “Chưa có năm nào kết quả môn Sử lại thấp như năm nay” (Báo Tuổi Trẻ, số ra ngày 26.7).

Theo nhiều giáo viên, đề thi Sử năm nay tương đối khó nhưng thí sinh không làm được bài chủ yếu là hệ quả của cách dạy nhồi nhét, không dạy cho học sinh cách tư duy và yêu thích môn Lịch sử. Rất nhiều bài thi của thí sinh viết lan man, lạc đề, diễn đạt ngô nghê, thậm chí lấy râu ông nọ cắm cằm bà kia. Một số thí sinh thuộc bài, viết đầy đủ ý nhưng chỉ tiếc đó không phải là nội dung đề yêu cầu.

Sâu xa hơn, việc dạy và học Lịch sử chưa được coi trọng ở trường phổ thông là nguyên nhân chính dẫn đến kết quả môn Sử thấp, bởi năm nào không thi tốt nghiệp môn Lịch sử thì việc dạy học rất lơ là, chủ yếu tập trung cho các môn tốt nghiệp. Mặt khác, chương trình sách giáo khoa Lịch sử hiện nay còn ôm đồm, rườm rà, trình bày chưa hấp dẫn, sinh động, nên không cuốn hút được các em. Cách ra đề thi, kiểm tra thường nặng về tính chất tái hiện, học thuộc lòng, ít yếu tố tư duy sáng tạo dành cho người học, cho nên học sinh thường học tủ, học lệch, trúng tủ thì đạt điểm cao, không trúng thì làm qua loa, đúng, sai lẫn lộn.

Bên cạnh đó, việc học của học sinh lâu nay là học chay và dạy chay. Giáo viên Lịch sử hầu như không bố trí cho học sinh xem phim về lịch sử, tham quan thực tế các địa danh lịch sử, ít sách hướng dẫn, tham khảo. Sách dạy sử thường theo kiểu thầy đọc, trò chép; phương tiện dạy học thiếu, lạc hậu, không đáp ứng quá trình chuyển tải nội dung, đổi mới phương pháp dạy. Thầy dạy nhàm chán, học sinh không hứng thú học, kết quả thi thấp là điều tất yếu.

Giáo sư Sử học Phan Huy Lê đã có lần phát biểu với giới báo chí: Kết quả học Sử kém ở phổ thông không phải do học sinh, càng không phải do nội dung lịch sử, mà do những nguyên nhân nằm trong chương trình, sách giáo khoa và trong phương pháp dạy sử.

Đã có nhiều hội thảo khoa học về dạy học sử trong trường phổ thông. Qua đó, giới sử học lên tiếng hết sức quyết liệt về tình trạng bất cập trong học sử, dạy sử, coi đó là những tai họa làm sa sút tinh thần dân tộc. Những lỗ hổng về kiến thức lịch sử của giới trẻ đang rung lên những hồi chuông cảnh báo nguy cơ lịch sử vẻ vang của một dân tộc sẽ bị mai một trong làn sóng kinh tế thị trường.

Lịch sử là cái hồn của dân tộc, là nguồn cội của sự phát triển đi lên, như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng dạy: “Dân ta phải biết sử ta/ Cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam”. Một dân tộc phát triển là một dân tộc biết gìn giữ và phát huy những truyền thống lịch sử, và nhiệm vụ ấy đang đặt nặng trên “đôi vai” ngành giáo dục nước nhà.

  • Ngọc Minh
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Tích cực phòng ngừa !  (30/07/2011)
“Nỗi buồn môn Sử” !   (29/07/2011)
Chớ “đầu voi, đuôi chuột”!  (26/07/2011)
Cải cách đồng bộ và triệt để tiền lương  (24/07/2011)
Nên được đầu tư nâng cấp nhiều hơn  (24/07/2011)
An sinh & người nghèo  (23/07/2011)
Từ chuyện… “bể nồi cơm” !  (22/07/2011)
Hậu quả nhãn tiền  (21/07/2011)
Ô nhiễm môi trường  (19/07/2011)
Chống bệnh thành tích  (17/07/2011)
Gắn liền với thực tiễn  (16/07/2011)
Hướng về nông thôn   (15/07/2011)
Bàn thêm về sắp xếp cán bộ  (14/07/2011)
Đánh vào uy tín doanh nghiệp?  (12/07/2011)
Để việc bồi dưỡng giáo viên có hiệu quả   (11/07/2011)