Thông tin quảng cáo trên một tờ báo có số lượng phát hành lớn trong phạm vi cả nước gần đây thông tin khá dày và nhiều về việc phát mãi tài sản của nhiều cá nhân, doanh nghiệp của một tỉnh Tây Nguyên. Đây là các tài sản thuộc diện kê biên được rao bán để thi hành án dân sự.
Thông tin báo chí gần đây cũng đưa tin nhiều cán bộ quản lý và nhân viên của các ngân hàng bị bắt giam vì các sai phạm trong công tác cho vay vốn tín dụng. Báo chí cũng đưa tin về rất nhiều vụ vỡ nợ tiền tỉ, giật hụi tiền tỉ ở nhiều địa phương trong cả nước khiến hàng trăm, hàng ngàn người bỗng chốc trở thành con nợ khó đòi hay phá sản, thậm chí vướng vào vòng lao lý; rất nhiều người khác thì nhận cầm cố bất động sản hay tài sản có giá trị lớn như ô tô… nhưng thực ra là tài sản ảo hoặc tài sản lừa đảo của người khác đem thế chấp với giá quá rẻ so với giá trị thực của nó…
Các thông tin nêu trên không chỉ đơn thuần là các thông tin vụ việc, bởi lẽ đằng sau nó là những hệ lụy rất lớn liên quan đến an ninh trật tự của đời sống xã hội. Thật đau xót khi nhiều người bỗng dưng trở thành con nợ, thậm chí phá sản vì bị lừa đảo lấy mất tiền. Thật đau xót khi không ít cán bộ chuyên môn, quản lý giỏi trở thành tội phạm phải chịu hình phạt chốn lao tù…
Tuy nhiên, có một thực tế không thể không ghi nhận, đó là hầu hết các vụ việc liên quan đến các thông tin nêu trên ít nhiều đều có liên quan đến chuyện hưởng lợi cao hơn các mức thông thường. Chẳng hạn trong khi ngân hàng cho vay hơn hai chục phần trăm một năm là doanh nghiệp đã la trời la đất vì gánh nặng lãi suất khó kham nổi, vậy mà khi có người vay trả lãi đến năm bảy phần trăm mỗi tháng thì không ít người vẫn dốc túi cho vay, thậm chí đi vay để cho vay, để rồi ngậm ngùi… ôm hận khi sự đã rồi.
Vì hám lợi mà đi lừa đảo, vì hám lợi mà trở thành nhẹ dạ cả tin để rồi kẻ vào tù, người mất của. Đó là “bi kịch của lòng tham”! Mọi người hãy cảnh giác với các chiêu thức lừa đảo ngày càng tinh vi với những vỏ bọc khó lường. Hãy tỉnh táo, đừng vì hám lợi mà mắc lừa những kẻ lừa đảo.
|