“Phòng bệnh hơn chữa bệnh”
20:23', 7/8/ 2011 (GMT+7)

Tình trạng lấn chiếm đất công, xây dựng trái phép đã và đang diễn ra hết sức nóng bỏng ở tỉnh ta, nhất là ở thành phố Quy Nhơn. Trong 6 tháng đầu năm nay, các ngành chức năng của thành phố đã kiểm tra, phát hiện và xử lý 537 trường hợp vi phạm xây dựng nhà không phép, sai phép; xử phạt hành chính 297 trường hợp với tổng số tiền hơn 3,8 tỉ đồng.

Gần đây, trong một buổi làm việc với UBND TP Quy Nhơn, ông Hồ Quốc Dũng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, đã yêu cầu thành phố phải xem vấn đề lấn chiếm đất đai, xây dựng trái phép là công việc bức xúc hiện nay và ưu tiên giải quyết. Trước mắt, thành phố cần rà soát các đối tượng, từng trường hợp vi phạm để có cơ sở xử lý. Tổ chức cưỡng chế các trường hợp lấn chiếm đất đai, xây dựng trái phép và chuyển cơ quan cảnh sát điều tra xử lý bằng biện pháp hình sự đối với các sai phạm nghiêm trọng.

Trong một cuộc trả lời phỏng vấn của phóng viên Báo Bình Định, ông Nguyễn Tự Công Hoàng, Phó Chủ tịch UBND TP Quy Nhơn, cũng biểu thị quyết tâm tháo dỡ những trường hợp lấn chiếm đất đai, sử dụng đất sai mục đích, xây dựng không phép nhằm lập lại trật tự kỷ cương đô thị (Báo Bình Định, số ra ngày 31.7).

Nhưng xem ra việc cưỡng chế tháo dỡ hàng ngàn ngôi nhà xây cất trái phép không phải là chuyện đơn giản, chưa kể những phí tổn xã hội không đáng có. Giá như ngay từ đầu chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng thực hiện tốt chức trách được giao, tăng cường kiểm soát, ngăn chặn kịp thời những trường hợp lấn chiếm đất công, xây dựng trái phép thì đâu đến nỗi. Việc buông lỏng công tác quản lý xây dựng làm cho tình hình vi phạm càng lúc càng nặng nề, khó giải quyết. Cũng như nhiều lĩnh vực khác trong công tác quản lý đô thị, “phòng bệnh vẫn hơn chữa bệnh”.

Dư luận cho rằng có không ít nơi còn né tránh, đùn đẩy trách nhiệm hoặc dung túng, bao che cho những đối tượng sai phạm. Cần phải kiên quyết xử lý trách nhiệm những lãnh đạo địa phương để xảy ra nhiều sai phạm, không hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Nhưng như vậy vẫn chưa đủ; thực tế cho thấy bên cạnh những người lấn chiếm đất xây nhà nhằm buôn bán, sang nhượng, đầu cơ trục lợi, cũng có nhiều người do bức xúc thật sự về nhà ở nên làm liều. Phần lớn trong số họ là người nghèo, thu nhập thấp, không có khả năng mua nhà, thuê nhà, với giá nhà, đất cao ngất ngưởng hiện nay, nên buộc phải lấn chiếm. Bởi vậy, tỉnh, thành phố cần phải tính đến việc tạo ra nhiều quỹ nhà ở mới, với nhiều mức giá khác nhau để đáp ứng nhu cầu của người dân, nhất là người có thu nhập thấp.

Được biết, hiện tỉnh ta đang triển khai một số dự án xây dựng nhà chung cư, nhà ở cho người có thu nhập thấp, nhưng xem ra vẫn chưa “thấm tháp” gì so với nhu cầu. Công việc này cần được quan tâm đầu tư nhiều hơn nữa bằng nhiều nguồn vốn, nhiều phương thức để làm sao mỗi gia đình đều có khả năng tìm được một chỗ ở, dù đó là người nghèo khó. Có vậy, tình trạng lấn chiếm đất, xây cất trái phép mới mong chấm dứt.

Quyền được có nhà ở là một trong những quyền cơ bản của con người.

  • Ngọc Minh
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
“Hội chứng… dây thun” !?  (07/08/2011)
Hám lợi !?  (05/08/2011)
Tập thể lãnh đạo và vai trò người đứng đầu  (04/08/2011)
Dân ta phải biết sử ta  (31/07/2011)
Tích cực phòng ngừa !  (30/07/2011)
“Nỗi buồn môn Sử” !   (29/07/2011)
Chớ “đầu voi, đuôi chuột”!  (26/07/2011)
Cải cách đồng bộ và triệt để tiền lương  (24/07/2011)
Nên được đầu tư nâng cấp nhiều hơn  (24/07/2011)
An sinh & người nghèo  (23/07/2011)
Từ chuyện… “bể nồi cơm” !  (22/07/2011)
Hậu quả nhãn tiền  (21/07/2011)
Ô nhiễm môi trường  (19/07/2011)
Chống bệnh thành tích  (17/07/2011)
Gắn liền với thực tiễn  (16/07/2011)