Nhà ở cho vùng lũ
20:41', 14/8/ 2011 (GMT+7)

Một tin vui đến với người dân nghèo vùng lũ miền Trung nói chung và Bình Định nói riêng: Một chương trình hỗ trợ nhà ở vùng ngập lũ miền Trung do Chính phủ chỉ đạo xây dựng đã bước đầu hiện hình. Theo Đề án đang được Bộ Xây dựng khởi thảo, cơ chế nổi bật là hỗ trợ, cho vay vốn ưu đãi, kết hợp với vốn huy động từ cộng đồng để đối tượng thụ hưởng xây mới, sửa chữa, cải tạo 1 gian nhà kiên cố, có sàn vượt mức ngập lụt. Đồng thời, hỗ trợ việc xây dựng các nhà cộng đồng để kết hợp tránh lũ, lụt.

Trong thời gian qua, Đảng, Nhà nước đã thường xuyên quan tâm công tác phòng chống thiên tai ở khu vực miền Trung. Hàng loạt các chương trình, đề án, giải pháp đã được triển khai trong khu vực như trồng rừng, cải tạo các dòng chảy, gia cố hệ thống đê điều, các công trình hạ tầng chống lũ, bố trí di dân. Tuy nhiên, với thiên tai ngày càng phức tạp, bất thường, lũ lụt tiếp tục gây ra nhiều thiệt hại khi khả năng tự phòng chống của người dân còn nhiều hạn chế.

Hình ảnh những ngôi nhà bị cuốn trôi, ngập đến tận nóc; tính mạng, tài sản bị đe dọa, cô lập trong dòng nước lũ đã làm nhói lòng bao người dân Việt Nam. Từ lâu ý tưởng về ngôi nhà cho người dân vùng lũ vẫn luôn được ấp ủ ở những người có trách nhiệm.

Trong cuộc hội thảo “Nâng cao điều kiện an toàn nhà ở trong khu vực có lũ lụt tại 14 tỉnh Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung” (tổ chức vào tháng 3.2011), Bộ Xây dựng đã đưa ra 5 mô hình về nhà ở cho các hộ dân trong khu vực bị ảnh hưởng của lũ lụt. Đó là làm bè nổi tránh lũ; làm gác lửng trong nhà để tránh lũ; xây dựng gian nhà ở kiên cố liền kề với nhà ở đã có; xây dựng nhà ở kiên cố có chiều cao vượt lũ; xây dựng nhà cộng đồng kết hợp tránh lũ tại các cụm dân cư thôn, bản.

Trước đó, Hội Kiến trúc sư Việt Nam cũng đã phát động cuộc thi “Kiến trúc nhà ở nông thôn vùng bão lũ, ngập lụt”. Qua 5 tháng, Ban tổ chức đã nhận được 88 phương án gửi dự thi. Chung cuộc, có 3 phương án đoạt giải A, 5 giải B, 8 giải C và 9 giải Khuyến khích.

Nhiều phương án được đánh giá có tính khả thi, đơn giản, rẻ tiền để những người nghèo, vùng ngập lụt có thể áp dụng được ngay. Nhưng cũng có không ít băn khoăn vì vấn đề quan trọng, đầu tiên để đưa các mô hình nhà ở này vào cuộc sống là: Tiền đâu? Việc tổ chức cuộc thi là tấm lòng, là trách nhiệm của các kiến trúc sư đối với đồng bào vùng lũ; nhưng nếu không có tiền để xây dựng thì các phương án dù có hay, có tốt đến đâu cũng mãi mãi chỉ nằm trên giấy. Bởi, cuộc thi này hướng đến những người nghèo, nhưng đã là hộ nghèo, lại bị bão lũ tàn phá liên miên thì đến việc dựng lại túp nhà trú mưa tránh nắng sau mỗi trận bão lụt đã khó, thì nói gì đến việc xây dựng ngôi nhà đủ sức chống chọi với bão lũ.

Chương trình hỗ trợ nhà ở vùng ngập lũ miền Trung được coi là một trong những giải pháp căn cơ, giúp người dân tự trang bị, chủ động trong phòng chống, giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai gây ra. Chính phủ đã có chương trình xây dựng cụm tuyến dân cư vùng ngập lũ Đồng bằng sông Cửu Long thì cũng cần có một chương trình nhà ở cho vùng bão lũ khu vực miền Trung, nơi được xem là “rốn lũ” của cả nước.

  • Ngọc Minh
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Vẫn rộng đường đi!   (13/08/2011)
Dân chủ và công khai, minh bạch  (11/08/2011)
“Phòng bệnh hơn chữa bệnh”  (07/08/2011)
“Hội chứng… dây thun” !?  (07/08/2011)
Hám lợi !?  (05/08/2011)
Tập thể lãnh đạo và vai trò người đứng đầu  (04/08/2011)
Dân ta phải biết sử ta  (31/07/2011)
Tích cực phòng ngừa !  (30/07/2011)
“Nỗi buồn môn Sử” !   (29/07/2011)
Chớ “đầu voi, đuôi chuột”!  (26/07/2011)
Cải cách đồng bộ và triệt để tiền lương  (24/07/2011)
Nên được đầu tư nâng cấp nhiều hơn  (24/07/2011)
An sinh & người nghèo  (23/07/2011)
Từ chuyện… “bể nồi cơm” !  (22/07/2011)
Hậu quả nhãn tiền  (21/07/2011)