Từ hai năm nay, nhà nước đã cho phép ngành cung ứng xăng dầu nội địa được thực hiện cơ chế giá linh hoạt theo thị trường. Nghĩa là, nếu giá xăng dầu trên thế giới tăng (hoặc giảm) thì nhà cung ứng được điều chỉnh tăng (hoặc giảm) tương ứng, với sự kiểm soát và phê duyệt của cơ quan chức năng.
Có thể nói đây là cơ chế phù hợp trong điều kiện nền kinh tế trong nước đã hội nhập sâu rộng với thế giới. Tuy nhiên, thực tế áp dụng cơ chế cho thấy các nhà kinh doanh mới chỉ vận dụng được… một nửa cơ chế này, cụ thể là ở chiều tăng. Năm ngoái giá xăng dầu được nhà kinh doanh vận dụng rất… kịp thời, tăng liền mấy bận, khiến người tiêu dùng “choáng” nhưng vẫn phải “chịu” vì phải… linh hoạt theo thị trường thế giới(!). Song còn một nửa “giảm” của cơ chế này thì họ lại… làm lơ. Bằng chứng là trong mấy tháng gần đây, giá dầu thô trên thế giới suốt thời gian dài liên tục giảm từ trên 100 USD/thùng xuống còn dao động khoảng 75-80 USD/thùng; giá xăng thành phẩm nhập khẩu cũng giảm cỡ 15-20 USD/thùng. Người tiêu dùng trong nước chắc mẩm là giá trong nước sẽ giảm theo, nhưng kết cục thì vẫn cứ phải chờ đợi và… thất vọng khi những người có trách nhiệm của các cơ quan và doanh nghiệp xăng dầu vẫn tuyên bố “xanh rờn”: chưa đủ cơ sở để điều chỉnh giảm. Theo lý giải của họ thì để được điều chỉnh giá tăng hay giảm thì phải đợi đến 30 ngày sau khi lô hàng được nhập khẩu mới có cơ sở tính toán điều chỉnh.
Cách lý giải này đã bị dư luận phản ứng kịch liệt vì sự bất cập và thiếu tính minh bạch. Có công bằng hay không khi giá xăng dầu trên thế giới tăng thì lập tức được điều chỉnh tăng ngay như đợt tăng giá vào ngày 29.3.2011 vừa qua; trong khi đó, giá xăng dầu trên thế giới giảm liên tục thì chần chừ viện dẫn nhiều lý do để cản trở việc giảm giá bán lẻ.
Rõ ràng, cách điều hành “chỉ lên không xuống” và tính toán giá bán xăng dầu hiện nay là không minh bạch, chỉ nhằm bảo vệ lợi ích cục bộ của một số doanh nghiệp mà “quên” mất quyền lợi của người tiêu dùng. Xăng dầu là mặt hàng nhạy cảm, liên quan đến đời sống dân cư, sản xuất - kinh doanh của toàn xã hội. Giảm giá xăng dầu là cách kiềm chế giá cả thị trường ngày càng tăng như hiện nay, đồng thời góp phần thực hiện kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội như mục tiêu Chính phủ đã đề ra. Thế nhưng với cơ chế điều hành giá xăng dầu “chỉ lên không xuống” như đã nêu thì e rằng việc thực hiện mục tiêu trên là … hơi bị khó !
|