Báo động... lệch chuẩn!?
21:25', 20/8/ 2011 (GMT+7)

Kết quả khảo sát về tính liêm chính trong thanh niên Việt Nam tại 11 tỉnh, thành do Tổ chức Hướng tới minh bạch tại Việt Nam và Trung tâm Nghiên cứu phát triển và hỗ trợ cộng đồng (CECODES) vừa công bố đầu tháng 8.2011 tại Hà Nội cho thấy: có khá nhiều thanh niên có thể dễ dàng thỏa hiệp với cái xấu nhằm trục lợi cho bản thân, gia đình mình…

Nhận định trên được đưa ra dựa trên kết quả khảo sát năm 2011 đối với 1.022 đối tượng thanh niên tuổi từ 15 đến 30. Mặc dù có đến 95% người cho rằng trung thực quan trọng hơn giàu có và thiếu liêm chính có hại cho thế hệ trẻ và sự phát triển của đất nước, nhưng lại có 40% thanh niên sẵn sàng tham nhũng, hối lộ nếu mang lại lợi ích cho bản thân trong thực tế hành động. Đặc biệt, đa số thanh niên có trình độ cao đều có quan điểm lừa dối và vi phạm pháp luật sẽ dễ giàu, thành đạt hơn liêm chính. Có tới gần nửa số thanh niên được hỏi đều chấp nhận đưa “phong bì” để được chăm sóc, điều trị tốt hơn; 38% thanh niên sẵn sàng gian lận để thi đỗ vào trường tốt, 33% sẵn sàng thực hiện hành vi hối lộ để có công việc như mong ước, 40% thừa nhận đã từng hối lộ CSGT để tránh bị phạt.

GS Đặng Cảnh Khanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thanh niên, cho rằng: Nhận thức và hành vi của thanh niên có sự mâu thuẫn lớn. Họ căm ghét sự giả dối, hối lộ… nhưng họ vẫn thực hiện hành vi để được việc, điều này lỗi không phải ở họ mà lỗi do xã hội tạo ra hoàn cảnh, đẩy thanh niên vào tình huống không liêm chính. Thực tế cuộc sống hiện nay cho thấy, nhiều thanh niên rất khó khăn trong việc “cưỡng lại” những hành vi không liêm chính, tham nhũng, bởi nhiều nguyên nhân như coi đấy là “chuyện bình thường” (!). Đáng lo ngại hơn khi chỉ có 4% người dám tố cáo. Lý do chính là họ cho rằng tố cáo cũng chẳng giải quyết được gì; thậm chí còn không được bảo vệ, nguy hiểm đến tính mạng bản thân và gia đình… Nhiều thanh niên còn cho rằng, trong xã hội phổ biến nạn vòi vĩnh, tham ô, nếu không đi theo guồng máy đó thì sẽ trở thành người “ngố”, không theo kịp thời đại?

Có thể nói rằng sự thiếu trung thực trong thanh niên là một sự sai lệch chuẩn mực rất đáng báo động trong xã hội hiện nay. Tuy nhiên, một mình thanh niên không thể thay đổi được mà phải toàn xã hội, muốn khắc phục nó thì xã hội phải khắc phục lệch chuẩn mực. Để tuổi trẻ được sống trong môi trường lành mạnh, việc giáo dục tính trung thực, đấu tranh với các hành vi tiêu cực, sai trái để thực hiện liêm chính cần được thực hiện ngay từ trường học và ngay từ khi còn bé. Đối với các nhà trường, thay vì giới thiệu các hành vi trừu tượng, cần giảng dạy các tình huống cụ thể, sát thực đời sống; đồng thời thường xuyên biểu dương, khen thưởng những học sinh, sinh viên có hành động liêm chính… 

  • Hải Đăng
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
“Chỉ lên không xuống”!?   (19/08/2011)
Bao giờ mới hết “chạy trường”?  (19/08/2011)
Phụ huynh chạy trường, giáo viên chạy lớp  (19/08/2011)
Có khuyến khích được người giỏi về phòng, Sở GD-ĐT?  (18/08/2011)
Chạy…  (16/08/2011)
Nhà ở cho vùng lũ  (14/08/2011)
Vẫn rộng đường đi!   (13/08/2011)
Dân chủ và công khai, minh bạch  (11/08/2011)
“Phòng bệnh hơn chữa bệnh”  (07/08/2011)
“Hội chứng… dây thun” !?  (07/08/2011)
Hám lợi !?  (05/08/2011)
Tập thể lãnh đạo và vai trò người đứng đầu  (04/08/2011)
Dân ta phải biết sử ta  (31/07/2011)
Tích cực phòng ngừa !  (30/07/2011)
“Nỗi buồn môn Sử” !   (29/07/2011)