Phát triển nguồn nhân lực
19:47', 21/8/ 2011 (GMT+7)

Thủ tướng Chính phủ vừa ký Quyết định phê duyệt Quy hoạch phát triển nhân lực Việt Nam giai đoạn 2011-2020. Đây là lần đầu tiên Việt Nam xây dựng được quy hoạch nguồn nhân lực quốc gia.

Theo đó, mục tiêu tổng quát phát triển nhân lực Việt Nam thời kỳ 2011-2020 là đưa nhân lực Việt Nam trở thành nền tảng và lợi thế quan trọng nhất để phát triển bền vững đất nước, hội nhập quốc tế và ổn định xã hội, nâng trình độ năng lực cạnh tranh của nhân lực nước ta lên mức tương đương các nước tiên tiến trong khu vực, trong đó một số mặt tiếp cận trình độ các nước phát triển trên thế giới. Phấn đấu đến năm 2015, Việt Nam sẽ đạt 55% tỉ lệ lao động qua đào tạo; 40% tỉ lệ lao động qua đào tạo nghề; 300 sinh viên ĐH, CĐ trên 10 ngàn dân; 5 trường dạy nghề đạt đẳng cấp quốc tế; 100 ngàn giảng viên ĐH, CĐ…

Dù ở thời đại nào, nguồn nhân lực cũng luôn là yếu tố quan trọng nhất quyết định sức mạnh của một quốc gia, bởi mọi của cải vật chất đều được làm nên từ bàn tay và trí óc của con người.

Chúng ta đang có nguồn nhân lực dồi dào với dân số cả nước gần 86 triệu người, đông dân thứ 13 trên thế giới và thứ 3 trong khu vực; trong đó, số người trong độ tuổi lao động chiếm một tỉ lệ cao. Nhưng tại sao chúng ta vẫn đang gặp nhiều khó khăn trong việc thúc đẩy kinh tế đi lên?

Có nhiều nguyên nhân lý giải cho vấn đề này, trong đó chất lượng nguồn nhân lực hiện nay của nước ta được xem là nguyên nhân mấu chốt. Mặc dù số tiền Nhà nước và xã hội đầu tư cho lĩnh vực giáo dục - đào tạo ngày càng tăng nhưng theo đánh giá của Chương trình phát triển Liên hiệp quốc (UNDP) tại Việt Nam, chất lượng lao động của chúng ta vẫn thấp, chưa theo kịp với các nước láng giềng trong khu vực.

Theo số liệu thống kê của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, năm 2010, trong số 48,8 triệu lao động đang làm việc, thì chỉ có 8,4 triệu người có bằng cấp, chứng chỉ do các cơ sở đào tạo trong và ngoài nước cấp. Mặt khác, lao động đã qua đào tạo còn nhiều bất cập so với yêu cầu của thị trường lao động. Một số đơn vị nhận người vào làm phải mất 1-2 năm đào tạo lại.

Chúng ta đã và đang bước vào hội nhập thế giới, từng bước tiến tới chiếm lĩnh khoa học công nghệ cao vì thế đòi hỏi một lực lượng đông đảo nhân lực có trình độ cao, có khả năng làm việc trong môi trường công nghệ và cạnh tranh. Bài toán về nguồn nhân lực, việc làm hiện nay là bài toán khó và cũng không thể một sớm một chiều có thể giải quyết ngay được. Để làm được điều này cần phải tiến hành đồng bộ, từ các đơn vị đào tạo, đơn vị sử dụng lao động, đến người lao động.

So với nhiều nước trên thế giới, chúng ta có lợi thế dân số đông, tuy nhiên, nếu không được đào tạo một cách bài bản thì dân đông sẽ trở thành gánh nặng cho xã hội. Ngược lại nếu được đào tạo, đó sẽ là nguồn nhân lực có tác động tích cực trực tiếp đến tốc độ tăng trưởng kinh tế. Và đây là nguồn lực của mọi nguồn lực, là nhân tố quan trọng bậc nhất để đưa Việt Nam trở thành một nước công nghiệp phát triển, có sức hấp dấn đối với các nhà đầu tư nước ngoài.

  • Ngọc Minh
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Báo động... lệch chuẩn!?  (20/08/2011)
“Chỉ lên không xuống”!?   (19/08/2011)
Bao giờ mới hết “chạy trường”?  (19/08/2011)
Phụ huynh chạy trường, giáo viên chạy lớp  (19/08/2011)
Có khuyến khích được người giỏi về phòng, Sở GD-ĐT?  (18/08/2011)
Chạy…  (16/08/2011)
Nhà ở cho vùng lũ  (14/08/2011)
Vẫn rộng đường đi!   (13/08/2011)
Dân chủ và công khai, minh bạch  (11/08/2011)
“Phòng bệnh hơn chữa bệnh”  (07/08/2011)
“Hội chứng… dây thun” !?  (07/08/2011)
Hám lợi !?  (05/08/2011)
Tập thể lãnh đạo và vai trò người đứng đầu  (04/08/2011)
Dân ta phải biết sử ta  (31/07/2011)
Tích cực phòng ngừa !  (30/07/2011)