Để bảo đảm an sinh xã hội, cùng với những biện pháp nêu trong Nghị quyết 11 của Chính phủ, vấn đề bảo đảm tiền lương thực tế của người lao động và người làm công ăn lương là một trong những vấn đề cấp bách đặt ra.
Với tinh thần đó, phương án điều chỉnh lương tối thiểu (LTT) vùng đã được ban hành để áp dụng thống nhất từ 1.10.2011 cho cả doanh nghiệp trong nước và đầu tư nước ngoài, sớm hơn ba tháng so với lộ trình. Cụ thể, theo Nghị định 70/2011/NĐ-CP được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng ký ban hành ngày 22.8, mức LTT vùng từ 1,4 triệu đồng đến 2 triệu đồng/tháng. Như vậy, mức LTT vùng mới cao hơn mức lương hiện nay khoảng 300 ngàn- 650 ngàn đồng/tháng. Mức LTT mới này cũng cao hơn so với dự kiến trước đó mà Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đề xuất (mức đề xuất cao nhất đối với vùng I chỉ là 1,9 triệu đồng).
Cần thấy rằng mức LTT dự kiến điều chỉnh đã có mức tăng khá cao so với mức hiện hành, nhưng nhiều người vẫn chưa hài lòng. Theo thông tin từ nhiều doanh nghiệp, hầu hết người lao động hiện đã có mức lương không chỉ cao hơn mức LTT hiện hành, mà còn cao hơn cả mức LTT điều chỉnh. Điều đó cũng có nghĩa rằng việc tăng LTT dự kiến không thể bảo đảm được lương thực tế cho mọi người lao động. Tại nhiều tỉnh thành lớn, mức LTT như trên sẽ khiến người lao động nếu nhận đúng mức này sẽ gặp khó khăn. Tuy nhiên, cần phải thấy rằng, mức LTT chỉ là lưới bảo vệ cho lao động yếu thế, tức lao động không có tay nghề, làm các công việc giản đơn, trong điều kiện ổn định, chứ hoàn toàn không phải là cơ sở để doanh nghiệp dựa vào đó trả lương cho người lao động đã được đào tạo. Điều này sẽ giúp mặt bằng lương của người lao động tăng cao hơn.
Tuy vậy, chắc chắn trong bối cảnh có nhiều yếu tố đang tác động đến doanh nghiệp như lạm phát, tỉ giá, lãi suất thì tăng LTT cũng sẽ tạo thêm gánh nặng cho doanh nghiệp. Đối với các doanh nghiệp lớn, có số lượng lao động lên đến vài chục ngàn thì việc tăng lương là cả vấn đề.
Vấn đề cấp bách đối với người lao động trong điều kiện lạm phát hiện nay là bảo đảm tiền lương thực tế. Nhà nước cần tính đến trong tổng thể các giải pháp kiềm chế lạm phát nhằm chia sẻ và giúp cho người lao động vượt qua khó khăn trước mắt, nhất là việc bình ổn giá cả các mặt hàng phục vụ thiết thực cho đời sống hàng ngày như lương thực, thực phẩm và các loại hàng hóa tiêu dùng thiết yếu khác…
|