Dự án “Sân khấu học đường” do Cục Nghệ thuật biểu diễn (Bộ VH-TT&DL) phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc thực hiện đã khép lại giai đoạn 2. Qua 10 năm triển khai (2001-2011), dự án đã đi vào 90 trường phổ thông tại 29 tỉnh, thành cả nước với hàng ngàn học sinh được tiếp cận, học, thực hành biểu diễn các bộ môn nghệ thuật sân khấu truyền thống.
Ở Bình Định, dự án được triển khai từ năm 2003, với nghệ thuật tuồng, ở các trường THCS Quang Trung (Quy Nhơn), THCS Bình Tường (Tây Sơn), THCS thị trấn Bình Định (An Nhơn)… Qua đó, các em học sinh được giới thiệu về nghệ thuật tuồng và được dàn dựng, biểu diễn một số trích đoạn tuồng tiêu biểu như: Hộ sanh đàn, Trưng nữ vương đề cờ, Hồ Nguyệt Cô hóa cáo…
Mới đây, tại Hội nghị tổng kết 10 năm của dự án (tổ chức tại Hà Nội), các đại biểu đã ghi nhận những kết quả bước đầu, góp phần khơi dậy tình yêu nghệ thuật truyền thống cho thế hệ trẻ, đào tạo một lớp diễn viên nghệ thuật truyền thống nghiệp dư, phát hiện các em có năng khiếu để đào tạo thành diễn viên chuyên nghiệp kế cận.
Nhưng nhiều người “trong cuộc” cũng ngậm ngùi khi cho rằng, những gì mà dự án làm được trong một chục năm qua mới chỉ là “muối bỏ bể”. Một câu hỏi lớn đặt ra: Sức sống của sân khấu học đường sẽ ra sao sau khi dự án kết thúc? Thực tế cho thấy khi hết tiền dự án thì sân khấu truyền thống cũng đành ngừng hoạt động. Hầu hết các trường, khi lứa học sinh được đào tạo ra trường thì các đạo cụ được trang bị cũng... xếp kho. Các lớp học sinh đàn em không hề nhận được chút kiến thức nào do các anh, các chị truyền lại. Và chính các lớp học sinh đã được truyền dạy nghệ thuật, cũng ít có cơ hội phát huy những điều mà mình đã khổ công luyện tập mới có được.
Một số người còn tỏ ý ngại ngần chính từ những bất cập trong phương thức tiến hành của dự án. Đứng ở góc độ nghệ thuật, một số nghệ sĩ cho rằng, thời gian tập luyện quá ngắn không thể giúp các em đạt đến trình độ biểu diễn điêu luyện. Khi đem nhân rộng ra cộng đồng, vô tình, sự thiếu nhuần nhuyễn đó sẽ đem đến một cách nhìn không chính xác về nét tinh hoa của nghệ thuật dân tộc. Đã có nghệ sĩ phát biểu quan điểm của mình một cách hình tượng, rằng chúng ta không thể ra khơi trên một con tàu nhỏ, trang bị thô sơ.
Nghe nói dự án đang được tiếp tục đề nghị triển khai giai đoạn 3; lại nghe nói Bộ VH-TT&DL đang làm việc với Bộ GD-ĐT xây dựng đề án đưa việc giáo dục sân khấu truyền thống vào chương trình chính khóa (?). Trong hoàn cảnh nghệ thuật truyền thống của dân tộc đang ngày càng nhạt phai trong lòng công chúng, nhất là giới trẻ, thì có được một cách giáo dục nghệ thuật truyền thống là đáng quý, nhưng cần có cách làm mới để dự án này thực sự có hiệu quả. Làm sao để các em tiếp nhận sân khấu truyền thống một cách tự nhiên chứ không gượng ép như một phong trào được khơi lên rồi tắt lịm.
|