Tại TP Quy Nhơn, mấy năm gần đây, một số siêu thị lớn như Co.op Mart, Metro, hệ thống siêu thị nhỏ G7mart… đi vào hoạt động, đã cùng với các chợ, cửa hàng, cửa hiệu hiện có đáp ứng nhu cầu mua sắm của người tiêu dùng. Tuy nhiên, để thực sự làm hài lòng “thượng đế”, các siêu thị, cửa hàng, tiểu thương… cần được đào tạo, hướng dẫn thêm về kỹ năng bán hàng.
Có thể thấy, hầu hết các cửa hàng phân phối, bán lẻ ở TP Quy Nhơn đều có quy mô nhỏ, mặt bằng chật hẹp… Trong khi đó, đội ngũ nhân viên có năng lực hạn chế, lại chưa được đào tạo chuyên nghiệp nên từ cách mời chào, giao tiếp, đến việc sắp xếp hàng hóa chưa làm khách hàng thật sự hài lòng.
|
Các chợ cần quy hoạch lại khu bán hàng cho sạch sẽ, đào tạo thêm kỹ năng bán hàng cho tiểu thương thì mới mong thu hút được nhiều khách hàng hơn nữa. |
Mặt khác, các cửa hàng, cửa hiệu cũng chưa có sự liên kết với nhau và chưa liên kết chặt chẽ với nhà sản xuất. Bởi thế, trừ các đại lý phân phối độc quyền, các cửa hàng bán lẻ đều lấy hàng từ nhà sản xuất theo kiểu “mua đứt bán đoạn” hoặc qua trung gian là nhà phân phối. Điều này dẫn đến việc hàng hóa tới tay người tiêu dùng thường bị nâng giá lên cao và có khi còn không biết rõ nguồn gốc xuất xứ.
Hiện các chợ đang hoạt động ở TP Quy Nhơn đã cơ bản đáp ứng được nhu cầu mua bán, trao đổi của người dân địa phương. Tuy nhiên, một số chợ do được xây dựng từ lâu nên cơ sở hạ tầng trong chợ và khu vực quanh chợ đã xuống cấp. Hệ thống điện một số chợ chưa thật bảo đảm an toàn; hệ thống cấp thoát nước hoạt động kém hiệu quả, nhất là ở khu vực bán hàng tươi sống. Các sạp trong khu nhà lồng chợ hàng hóa san sát nhau, lối đi chật hẹp, chưa tạo sự thuận tiện cho người đi mua sắm và hoạt động buôn bán của tiểu thương.
Theo đánh giá của Viện Nghiên cứu Thương mại - Bộ Công Thương, hệ thống phân phối hàng hóa ngày càng chiếm vị trí và vai trò quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội, chiếm 15% GDP. Tuy vậy, đến nay, việc đầu tư về cơ sở vật chất cũng như đào tạo nghiệp vụ cho đội ngũ quản lý, kỹ năng bán hàng của nhân viên hệ thống phân phối, tiểu thương ở các chợ chưa được quan tâm đúng mức. |
Bên cạnh đó, việc đào tạo nghiệp vụ quản lý chợ và kỹ năng bán hàng cũng chưa được các cơ quan chức năng quan tâm. Do không có nghiệp vụ, Ban Quản lý chợ không có chuyên môn trong việc đánh giá hàng hóa mà chỉ xem theo “mác” để kiểm tra hàng hóa. Cũng bởi thiếu chuyên nghiệp, tiểu thương gặp khó khăn trong trưng bày hàng hóa, khả năng thu hút khách hàng hạn chế do thiếu kỹ năng bán hàng. Một tiểu thương ở chợ Khu Sáu cho biết: “Cơ quan chức năng chưa tổ chức các khóa học cho Ban Quản lý các chợ hướng dẫn tiểu thương về cách buôn bán, sắp xếp hàng hóa để hoạt động mua bán có hiệu quả và cũng chưa huấn luyện tiểu thương về kỹ năng giao tiếp với khách hàng”.
Trong thời buổi cạnh tranh, đa số tiểu thương đã nhận thức được rằng, để cạnh tranh được với các siêu thị, cửa hàng tự chọn, không cách nào khác là phải làm ăn chân chính và niềm nở với khách hàng, chấp hành tốt các quy định của Nhà nước. Nhiều người trong họ rất mong được tham gia những khóa học về kỹ năng bán hàng. Chị Trần Thị Thắm, tiểu thương ở chợ Đầm, TP Quy Nhơn, tâm sự: “Vẫn biết khách vào chợ là muốn mua cái gì đó, nhưng do không có kỹ năng, nên nhiều khi chào mời mà lại khiến họ khó chịu bỏ đi”.
|