Tháng An toàn giao thông năm 2011 (tháng 9.2011) đã đi qua 4 ngày. Buổi lễ ra quân hưởng ứng được tổ chức long trọng tại Tượng đài Chiến thắng Quy Nhơn với sự tham gia của đại diện các cấp, các ngành và hàng ngàn quần chúng đã biểu thị quyết tâm của tỉnh trong việc lập lại trật tự an toàn giao thông.
Không phải ngẫu nhiên Tháng An toàn giao thông năm nay có chủ đề “Phòng chống uống rượu, bia đối với người điều khiển phương tiện giao thông”. Tuy tai nạn giao thông (TNGT) đã giảm, nhưng thiệt hại về người và tài sản do TNGT gây ra vẫn còn rất lớn, gây lo ngại cho xã hội. Ở tỉnh ta trong 7 tháng đầu năm nay đã xảy ra 145 vụ TNGT nghiêm trọng, làm chết 160 người, bị thương 87 người. Trong đó bia, rượu là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây TNGT; thống kê cho thấy có 6% TNGT thương tích liên quan đến sử dụng bia rượu; 34% số nạn nhân là người điều khiển phương tiện đã tử vong vì TNGT có nồng độ cồn trong máu.
Nhà nước ta đã ban hành rất nhiều quy định cấm uống rượu, bia trong khi tham gia giao thông nhưng dường những quy định này không mang lại hiệu quả như mong muốn. Nhiều người biết là uống rượu, bia sẽ có tác hại khi điều khiển phương tiện nhưng vẫn không chịu từ bỏ sở thích nguy hiểm này. Ngay cả lái xe tải, xe khách chuyên nghiệp, trong bữa ăn sau chặng đường dài cũng phải làm vài chén cho “giãn gân giãn cốt”, tiếp sức cho cuộc hành trình.
Nguyên nhân phải chăng là do các chế tài chưa đủ mạnh và việc thực thi chưa nghiêm khiến nhiều người bị “nhờn” luật? Nên chăng đã đến lúc cần phải kiên quyết hơn trong việc thực thi pháp luật trên lĩnh vực an toàn giao thông.
Có tiếng là nghiêm khắc, ở Singapore, những tài xế lần đầu bị phát hiện say rượu sẽ chịu phạt 5.000 SGD hoặc 6 tháng tù giam và hình phạt sẽ được nhân gấp đôi và gấp ba cho những lần kế tiếp. Còn ở Thái Lan, luật pháp quy định một người lái xe có nồng độ cồn trong máu từ 50mg/100ml trở lên được xem là say rượu. Nếu bị phát hiện, tài xế sẽ bị truy tố và đối mặt với hình phạt 660 USD và án tù lên đến 1 năm bên cạnh việc bị thu bằng lái.
Luật hình sự sửa đổi của Trung Quốc cũng quy định tất cả tai nạn do uống rượu say khi điều khiển phương tiện giao thông gây ra là tội hình sự. Nếu tài xế làm chết một người hoặc làm bị thương ít nhất hai người sẽ bị cấm lái xe vĩnh viễn và đối mặt với án tù.
Phải chăng nhờ vậy những người lái xe ở họ hầu như không sử dụng rượu, bia trước khi ngồi vào cabin? Người Việt Nam khi ra nước ngoài học tập, làm việc cũng không mấy ai dám uống rượu, bia khi lái xe. Rõ ràng ở đây không có chỗ cho những lái xe thích nhậu.
Ngoài ra, còn cần đến công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức đạo đức nghề nghiệp, đạo đức làm người. Tập đoàn Mai Linh rất khắt khe trong khi tuyển chọn đầu vào, tài xế không chỉ là người mạnh khỏe, có tay nghề cao mà còn phải là người có học vấn và tất nhiên là không được nghiện rượu, bia. Trong quá trình tác nghiệp, họ được học các lớp bồi dưỡng về văn hóa giao tiếp, đạo đức nghề nghiệp, kỹ năng mềm. Có lẽ vì thế mà tập đoàn có hàng chục ngàn đầu xe taxi và xe buýt rải khắp ở trong và ngoài nước nhưng tỉ lệ rủi ro rất thấp.
|