Theo đề án “Đổi mới và phát triển dạy nghề đến năm 2020”, năm 2010 sẽ có đào tạo nghề ở bậc đại học. Học viên sau khi ra trường sẽ có bằng kỹ sư thực hành. Một trong những lý do để thành lập bậc học kỹ sư thực hành là nhu cầu người học. Bước đột phá này được kỳ vọng là sẽ hút học sinh theo học nghề.
Lâu nay, một trong những rào cản trường nghề với người học là các trường nghề cho tới nay chưa cấp bằng đại học. Khi xã hội vẫn tồn tại định kiến làm “thợ” không bằng làm “thầy” thì việc học sinh đâm đơn vào đại học vẫn còn tiếp diễn. Chính vì vậy, việc có thêm bậc kỹ sư thực hành sẽ giúp xóa bỏ định kiến này.
Thị trường lao động có những khắt khe để đánh giá ngạch bậc nên không thể chạy theo bằng cấp được. Chính vì thế, chương trình kỹ sư thực hành sẽ được dạy theo mục tiêu năng lực thực hiện công việc. Cùng với đó, xã hội sẽ có những ngạch bậc lương tương ứng cho kỹ sư kỹ thuật. Khi đó, con đường học nghề rộng thênh thang không kém con đường học đại học.
Kỹ sư thực hành không xa lạ với các nước tiên tiến trên thế giới. Với Việt Nam, việc có thêm bậc đại học với kỹ sư thực hành sẽ đáp ứng nhu cầu chính đáng muốn phát triển con đường học hành của người học. Điều này sẽ giúp xã hội có nhận thức mới về học nghề. Số người học nghề chắc chắn sẽ nhiều hơn.
Hiện nay, rất nhiều quốc gia muốn tuyển lao động kỹ thuật có chứng chỉ cấp quốc gia. Được biết, Tổng cục Dạy nghề đang xây dựng tiêu chí đào tạo cho gần 100 nghề có chất lượng văn bằng ngang với thế giới. Nếu đã có bằng đại học cấp quốc gia về dạy nghề, việc đưa người học nghề đi xuất khẩu lao động sẽ dễ dàng hơn. Hơn nữa, tại các nước đều có bậc kỹ sư thực hành này nên việc có thêm bằng cấp này giúp người lao động nước ta tiến gần hơn với thị trường lao động thế giới.
|