Hy vọng mới cho văn hóa truyền thống
21:52', 29/9/ 2011 (GMT+7)

Hai sự kiện lớn liên quan đến nỗ lực bảo tồn văn hóa truyền thống của tỉnh diễn ra liên tiếp, đó là Liên hoan Tuồng không chuyên và việc thành lập đoàn đi khảo sát các lò võ cổ truyền do Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Văn Thiện dẫn đầu, đang làm phấn khởi những ai lâu nay vẫn canh cánh nỗi lo văn hóa truyền thống Bình Định bị mai một. Đã khá lâu từ lần Liên hoan thứ VI, Liên hoan Tuồng không chuyên lần thứ VII diễn ra trong 6 ngày tại Trung tâm Văn hóa tỉnh với sự góp mặt của khoảng 400 diễn viên, nhạc công đến từ 12 đoàn tuồng không chuyên trong toàn tỉnh. Liên hoan được tổ chức cho thấy sự quan tâm của các ban, ngành hữu quan đến tuồng không chuyên, làm ấm lòng những nghệ sĩ chân đất ngày đêm bươn chải ở bãi chợ, sân đình, ngoài mục đích mưu sinh còn để sống trọn với nghiệp hát bội.

Võ Bình Định đã nức danh từ lâu khắp trong và ngoài nước, nhưng việc phát triển bền vững và hiệu quả võ, văn hóa làng võ, nhất là gắn với du lịch cần có tầm nhìn chiến lược, mang tính tổng thể và sự đầu tư kinh phí lớn, bài bản. Rất nhiều nỗ lực trong những năm qua đã phần nào giúp quảng bá rộng rãi hơn võ Bình Định, nhưng chừng ấy vẫn chưa đủ. Sự kiện Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Văn Thiện đích thân đi khảo sát lò võ được nhìn nhận là “tín hiệu tích cực” đối với việc phát triển võ cổ truyền Bình Định. Bí thư Nguyễn Văn Thiện đã chỉ đạo: “Cần khẩn trương thực hiện Đề án Bảo tồn và Phát triển võ cổ truyền Bình Định một cách bài bản”. Nghe mà khấp khởi mừng thay cho các lò võ, võ sư.

Hai sự kiện này là những tín hiệu để hy vọng bởi dù sao cũng cho thấy, tuồng không chuyên và võ Bình Định lại một lần nữa được quan tâm đến. Liên hoan Tuồng rõ ràng là dịp điểm danh, rà soát lực lượng nghệ sĩ chân đất, để biết hoạt động xã hội hóa tuồng trong tỉnh đang ở mức nào. Mừng hơn cả là chuyện, Trung tâm Văn hóa tỉnh đã thay đổi kế hoạch từ tổ chức cuộc thi nhảy hiện đại ban đầu sang tổ chức Liên hoan Tuồng không chuyên, vì thấy đó là việc cần làm, phải làm. Sự quan tâm và mong muốn góp phần bảo tồn văn hóa truyền thống của Trung tâm Văn hóa tỉnh rất đáng biểu dương và khích lệ.

Mong rằng, thời gian tới, Trung tâm sẽ có thêm nhiều hoạt động tương tự như thi hát dân ca, bài chòi hay hát bội dành cho tất cả những ai yêu thích trong toàn tỉnh, nếu có thể được thì phối hợp với Đài Phát thanh - Truyền hình Bình Định làm chương trình, dạng như chương trình Giọt nắng phù sa của Đài Truyền hình TP Hồ Chí Minh.  

Với võ Bình Định, ai cũng biết đó là đặc sản, là sản phẩm du lịch không nơi nào có thể cạnh tranh được với đất Võ, nhưng việc khai thác, phát huy các giá trị võ, văn hóa làng võ để tạo thành sản phẩm du lịch độc đáo vẫn chưa đạt được hiệu quả như mong muốn. Việc Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Văn Thiện đi khảo sát làng võ phần nào cho thấy quyết tâm của tỉnh, mong rằng, Đề án Bảo tồn và Phát triển võ cổ truyền Bình Định sẽ được thực hiện và triển khai trong thời gian ngắn nhất.

  • Tiến Minh
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Chuyện hát quốc ca   (26/09/2011)
Chủ động ứng phó với bão, lũ  (25/09/2011)
Được & Mất  (24/09/2011)
Chuyện trên đường…   (23/09/2011)
Văn hóa ứng xử  (21/09/2011)
Lại chuyện tăng giá viện phí  (20/09/2011)
Luật phải song hành   (17/09/2011)
Chuẩn để… chơi !?  (16/09/2011)
Nghĩ chuyện “lạm thu” đầu năm học  (15/09/2011)
Xây dựng chính quyền điện tử  (11/09/2011)
Mong mỏi & kỳ vọng  (10/09/2011)
Kỹ sư nghề   (09/09/2011)
Phong cách nghiên cứu khoa học và phong cách lãnh đạo, quản lý  (08/09/2011)
Từ cái cặp sách...  (06/09/2011)
Nghiêm khắc hơn với ma men   (05/09/2011)