Tính đến ngày 31.12.2011 vẫn còn trên 300 đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh nợ bảo hiểm xã hội (BHXH) bắt buộc từ 3 tháng trở lên, với tổng số tiền hơn 27,3 tỉ đồng. Tuy đã giảm so với trước nhưng đây vẫn là con số nhức nhối vì nó ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người lao động.
Khi doanh nghiệp không nộp BHXH, người lao động cũng sẽ không được hưởng bất kỳ chính sách bảo hiểm nào như bảo hiểm y tế, ốm đau, hưu trí, thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, tử tuất, lương hưu... như luật quy định.
Phân tích thực trạng nợ BHXH, chiếm dụng vốn của người lao động diễn ra phổ biến, nhiều chuyên gia về lao động cho rằng chính kẽ hở của pháp luật, trong đó biện pháp chế tài xử phạt hành vi trốn đóng, chậm đóng BHXH áp dụng ở mức thấp, cộng thêm thực tế lãi suất nợ BHXH thấp hơn lãi suất ngân hàng là nguyên nhân dẫn đến vi phạm diễn ra phổ biến. Thay vì phải đóng khoản tiền tham gia BHXH lên đến hàng trăm triệu đồng/năm, nhiều doanh nghiệp chấp nhận vi phạm, chịu xử phạt hành chính ở mức cao nhất (theo quy định mới ra năm 2010 là 30 triệu đồng). Thế là hằng tháng, doanh nghiệp cứ nghiễm nhiên bỏ túi số tiền lẽ ra phải đóng BHXH, vi phạm việc bảo đảm quyền lợi cho người lao động.
Mặt khác là do đội ngũ cán bộ thanh tra tại địa phương còn quá mỏng, khó phát hiện kịp thời vi phạm của doanh nghiệp và bản thân người lao động cũng chưa ý thức đấu tranh để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình. Nhiều công nhân chỉ biết làm việc rồi đến tháng lãnh lương, ngoài ra không chú trọng đến những quyền lợi khác. Cũng có người biết doanh nghiệp trốn đóng BHXH, gây thiệt thòi cho mình, nhưng không hiểu sao từ trước tới nay chưa có ai hoặc công đoàn đại diện cho người lao động đi kiện doanh nghiệp để đòi quyền lợi chính đáng của mình. Và đó chính là một trong những lỗ hổng để tình trạng nợ BHXH phổ biến và kéo dài.
Để bảo đảm quyền lợi cho người lao động cần phải áp dụng những biện pháp mạnh. Ðó là khởi kiện ra tòa các doanh nghiệp nợ đọng BHXH, đặc biệt là các doanh nghiệp cố tình vi phạm. Khởi kiện ra tòa là biện pháp cuối cùng nhưng hiện đang là biện pháp khả thi. Thành phố Hồ Chí Minh là địa phương đầu tiên kiện doanh nghiệp nợ BHXH ra tòa và đã có tín hiệu tích cực. Bên cạnh đó, cũng cần áp dụng các biện pháp khác như: thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng về những doanh nghiệp nợ và trốn BHXH; gửi thư kiến nghị tới cơ quan chủ quản của đơn vị, doanh nghiệp vi phạm; kết hợp với ngân hàng để phong tỏa tài khoản hoặc trích tiền từ tài khoản doanh nghiệp để chuyển đóng BHXH cho người lao động…
Tuy nhiên, đây cũng chỉ là những biện pháp tình thế, còn về lâu dài thì vẫn là hoàn thiện hệ thống pháp luật và nâng cao nhận thức của người lao động để bảo vệ quyền lợi của chính mình.
|