“Ai cũng được học hành”
20:37', 6/10/ 2012 (GMT+7)

Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XI đã khẳng định “Sự phát triển nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao, là một trong ba nhân tố chiến lược có tính quyết định đối với sự tăng trưởng và phát triển bền vững quốc gia. Học tập suốt đời vừa được xem là một mục tiêu vừa là giải pháp để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và đời sống của người dân”.

Trước đó, nhận thức được tầm quan trọng của việc xây dựng xã hội học tập (XHHT), tạo điều kiện cho mọi người dân được học tập suốt đời, năm 2005 Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án Xây dựng XHHT giai đoạn 2005- 2010. Qua 5 năm triển khai thực hiện, chúng ta đã đạt được những thành tích đáng kể như: Tỉ lệ chung về người biết chữ từ 15 tuổi trở lên đạt 94%; tỉ lệ số người biết chữ trong độ tuổi từ 15-35 tuổi đạt 96,2%. Việc đào tạo, bồi dưỡng cập nhật kiến thức về quản lý, pháp luật, kinh tế và xã hội, nâng cao hiểu biết, khả năng lao động và nâng cao chất lượng cuộc sống cho các đối tượng đã được nâng lên so với trước song vẫn còn thấp hơn so với mục tiêu đề ra.

Hiện nay, nước ta đang trong quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế - xã hội tri thức và định hướng công nghệ, cần thúc đẩy sự phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Việc chuẩn bị sẵn sàng thích ứng trước những thay đổi của nhu cầu kinh tế - xã hội cho các nhóm người thuộc độ tuổi và trình độ văn hóa khác nhau, đặc biệt là đối với người lớn là điều hết sức quan trọng. Do vậy, việc xây dựng XHHT và thực hiện học tập suốt đời cho mọi người dân là vấn đề có ý nghĩa vô cùng cần thiết và quan trọng. Theo đó, từ hệ thống giáo dục được coi là của riêng ngành Giáo dục - Đào tạo sẽ chuyển sang phát triển một hệ thống giáo dục mở, lấy học tập suốt đời và XHHT là một trong những đặc trưng và mục tiêu cơ bản.

Để đáp ứng yêu cầu, mục tiêu này, Đề án xây dựng XHHT giai đoạn 2012-2020 vừa được Chính phủ ban hành đã xác định rõ 4 mục tiêu xây dựng XHHT là: xóa mù chữ; nâng cao trình độ tin học, ngoại ngữ; học tập nâng cao trình độ để lao động có hiệu quả hơn, hoàn thành nhiệm vụ tốt hơn; học tập để hoàn thiện kỹ năng sống, xây dựng cuộc sống cá nhân và cộng đồng ngày càng hạnh phúc hơn. Trong đó, xác định rõ xây dựng XHHT là trách nhiệm của Đảng, của Nhà nước và của toàn dân, tất cả các tổ chức (cơ quan nhà nước, các tổ chức chính trị, các tổ chức chính trị- xã hội, các tổ chức xã hội, các đoàn thể, các doanh nghiệp, các đơn vị sự nghiệp...) đều có trách nhiệm và tạo điều kiện thuận lợi để cung ứng giáo dục và đào tạo, đáp ứng nhu cầu học tập của mọi người, xã hội; xây dựng XHHT dựa trên nền tảng phát triển đồng thời, gắn kết, liên thông của 2 bộ phận giáo dục cấu thành hệ thống giáo dục quốc dân là giáo dục chính quy và giáo dục thường xuyên; tập trung ưu tiên các nhóm đối tượng, các khu vực ít được tiếp cận với các cơ hội giáo dục.

Công việc hình thành một XHHT, xây dựng một nền giáo dục đáp ứng được những đòi hỏi của thời đại mới còn bộn bề khó khăn và thách thức không nhỏ,  nhưng đó là mục tiêu mà cả hệ thống chính trị và toàn dân phải nỗ lực thực hiện cho bằng được để “ai cũng được học hành” như lúc sinh thời Bác Hồ luôn mong muốn.

  • Hải Đăng
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Việc cưới xin !  (06/10/2012)
Biến tướng !?  (29/09/2012)
Hài hòa lợi ích   (29/09/2012)
Người Việt dùng hàng Việt  (22/09/2012)
Văn hóa giao thông  (21/09/2012)
Kiên quyết ngăn chặn, loại trừ   (15/09/2012)
Đâu chỉ là... “chuyện của trời”  (14/09/2012)
Nâng cao chất lượng “trồng người”  (08/09/2012)
Tiếp nối truyền thống, vững bước đi lên   (01/09/2012)
Buồn như bóng đá !?   (31/08/2012)
Luật & Đời  (25/08/2012)
Hậu… thủ khoa !  (24/08/2012)
Biểu tượng cho Quy Nhơn  (18/08/2012)
Văn hóa giá cả !?  (18/08/2012)
Công bằng & Nhân văn !   (12/08/2012)