Trong 9 tháng đầu năm 2012, tình hình trật tự an toàn giao thông ở tỉnh ta có sự chuyển biến khá tích cực. Số liệu thống kê cho thấy tình hình tai nạn giao thông (TNGT) giảm so với cùng kỳ năm trước trên cả 3 mặt: số vụ, số người chết, số người bị thương. Trong khi chưa kịp vui về kết quả này thì trong tuần qua, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 2 vụ TNGT nghiêm trọng trên tuyến quốc lộ 1A, khiến 7 người thiệt mạng. Điểm lại diễn biến của hai vụ này cho thấy việc thiếu tuân thủ nghiêm túc các quy định về an toàn giao thông đã dẫn đến thảm họa.
Từ nhiều năm qua, TNGT được coi là một quốc nạn ở nước ta. Mỗi năm, cả nước có hơn chục ngàn người chết do TNGT. Số người bị thương, bị thương dẫn đến mang thương tật suốt đời còn lớn hơn nhiều. TNGT đã thực sự là một thảm họa cho nhiều gia đình và cả xã hội cả về con người và vật chất. Số người chết do TNGT những năm qua là vô cùng lớn, có thể nói là lớn hơn bất cứ một thiên tai hay dịch bệnh nguy hiểm nào.
Mặc dù trong nhiều năm qua, chúng ta đã huy động cả hệ thống chính trị cùng chung tay vào cuộc, nỗ lực kéo giảm TNGT nhưng hiệu quả vẫn chưa được như mong muốn. Để kiềm chế và giảm thiểu TNGT, một trong những giải pháp có tính răn đe là tăng mức phạt các lỗi vi phạm. Mới đây, Chính phủ đã ban hành Nghị định 71/2012/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 34/2010/NĐ-CP. Nội dung sửa đổi, bổ sung chủ yếu là tăng mức phạt đối với các hành vi vi phạm Luật Giao thông đường bộ, nhất là các vi phạm chở quá số người cho phép, điều khiển xe khi nồng độ cồn vượt quá quy định, chạy xe quá tốc độ. Theo Nghị định mới, có một số vi phạm bị phạt gấp từ 1 - 2 lần, thậm chí đến 3 lần. Chẳng hạn, điều khiển ô tô chạy quá tốc độ quy định trên 35km/giờ phạt tiền từ 8 - 10 triệu đồng (mức phạt cũ từ 4 - 6 triệu đồng) và tước giấy phép lái xe 60 ngày; điều khiển mô tô, xe máy chạy quá tốc độ quy định trên 20km/giờ phạt tiền từ 2 - 3 triệu đồng (mức phạt cũ từ 500 ngàn - 1 triệu đồng)…
Tăng mức phạt là để tăng tính răn đe và là một trong những giải pháp để giảm thiểu TNGT. Tuy nhiên, tăng mức phạt mới chỉ là một phần của câu chuyện còn một phần quan trọng nữa là hiệu lực thi hành và hiệu quả mang lại. Ở nhiều nước trên thế giới, người ta cũng áp dụng mức phạt rất nặng và thực hiện xử phạt rất nghiêm đối với người vi phạm luật lệ giao thông. Ở nước ta, trong 3 năm gần đây, một số thành phố lớn đã được cho áp dụng tăng mức phạt tiền cao hơn, nhưng cũng không “kéo” được số vụ vi phạm luật lệ giao thông giảm xuống. Thậm chí đã có dư luận bày tỏ sự lo ngại khi áp dụng, mức xử phạt cao có thể bị lạm dụng dẫn tới các tiêu cực như việc “cưa đôi” tiền phạt, phạt để tăng thu tạo nguồn chi hỗ trợ, trang bị phương tiện hoặc để “cải thiện đời sống” cho các lực lượng thực thi công vụ…
Mục tiêu cuối cùng của các chế tài vẫn là nhằm nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cộng đồng xã hội, nâng hiệu lực công tác quản lý nhà nước nhằm giảm thiểu TNGT, vì hạnh phúc của mọi người, mọi nhà và toàn xã hội. Không hẳn là mức phạt cao, mà điều mang tính quyết định để giảm bớt nỗi đau chính là ý thức tự giác tuân thủ pháp luật của mọi người khi tham gia giao thông.
|