Chúng ta đều biết, trong nền kinh tế thì nông nghiệp là ngành kết nối cao với các ngành công nghiệp khác, cung cấp đầu vào cho rất nhiều ngành công nghiệp. Nông nghiệp cũng đứng mũi chịu sào trong việc ổn định kinh tế - xã hội. “Phi nông bất ổn” là vì thế.
Mặc dù hiện nay, nông nghiệp chỉ còn chiếm đến 20% tổng thu nhập quốc dân (GDP), nhưng trong những năm gần đây, có thể nói nông nghiệp là một trụ cột kinh tế hết sức quan trọng của đất nước, góp phần ổn định đời sống xã hội và là chỗ dựa cho phát triển trong bối cảnh khủng hoảng tài chính và suy giảm kinh tế toàn cầu diễn ra khá gay gắt.
Mới đây, tôi được nghe một vị nguyên là chủ tịch hội cảm nhận về sản xuất và đời sống của nông dân tỉnh nhà. Theo ông, dù tình hình kinh tế có khó khăn nhưng người nông dân vẫn có cách xoay xở tìm ra đường hướng làm ăn để ổn định đời sống và phát triển kinh tế. Khó đầu này là họ xoay đầu khác để có thu nhập, có tích lũy chứ không “bó tay”. “Chúng ta phải cám ơn nông dân vì nhờ có họ mà tình hình mới ổn định như vầy. Nhưng nông dân cần được hỗ trợ nhiều hơn về nhiều mặt” - ông nói.
Mặc dù quan trọng là thế nhưng đáng tiếc là trong nhiều năm qua nông nghiệp vẫn đang bị đối xử không công bằng. Số liệu thống kê cho thấy có tới 50% lực lượng lao động và 70% dân số sống ở nông thôn đang có thu nhập rất thấp so với bộ phận dân số còn lại. Số lượng hộ nghèo, cận nghèo ở nông thôn cũng nhiều hơn khu vực đô thị. Điều đáng lo nữa là tốc độ tăng trưởng của nông nghiệp đang theo đà chậm lại, từ 4,4% (1996 - 2000) xuống 3,8% (2001 - 2005) và chỉ còn 3,5% (2006 - 2010). Vốn đầu tư cho nông nghiệp cũng giảm dần. Thu hút đầu tư nước ngoài FDI khu vực 1 chỉ chiếm 6% về giấy phép, 2,5% vốn đăng ký của cả nước. Số doanh nghiệp trong lĩnh vực nông - lâm - thủy sản chỉ chiếm 4,2% trong tổng số doanh nghiệp của cả nước.
Trong thời gian qua, việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế bị hiểu và làm một cách máy móc, sai lệch khiến nhiều diện tích đất nông nghiệp biến thành khu công nghiệp, khu đô thị một cách thiếu khoa học. Hậu quả là nông dân mất đất sản xuất, giá lương thực, thực phẩm không ngừng tăng. Tình hình này, cùng với biến đổi khí hậu đang diễn ra, thách thức về nông nghiệp sẽ trở nên hết sức gay gắt trong tương lai.
“Phi nông bất ổn”! Nông nghiệp không chỉ đóng góp cho ổn định kinh tế mà còn là lợi thế cạnh tranh lớn nhất để kinh tế nước ta tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, làm giàu cho đất nước. Để làm được điều đó, vấn đề tiên quyết là phải sớm đưa Nghị quyết 26 Trung ương khóa X vào cuộc sống để có những chính sách và hành động phù hợp trong thời gian tới.
|