Hưởng ứng “Ngày thế giới chống đói nghèo” 17.10 của Liên hiệp quốc, từ năm 2000, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phát động cuộc vận động “Ngày vì người nghèo” và lấy ngày này hằng năm là ngày cả nước vì người nghèo. Tổng cộng từ năm 2008 đến nay, có hơn 500 ngàn hộ nghèo được hỗ trợ về nhà ở theo chương trình của Chính phủ, trong đó có 226 ngàn hộ đồng bào dân tộc thiểu số. 62 huyện nghèo được ưu tiên bố trí vốn trước cho mục tiêu này với gần 10.000 hộ đã cải thiện được nơi ăn chốn ở. Không chỉ có nhà ở, hơn 10 năm qua có hàng triệu lượt hộ nghèo được vay vốn tín dụng ưu đãi, hàng vạn người nghèo được miễn giảm chi phí học nghề. Người nghèo còn được cấp thẻ bảo hiểm y tế, hỗ trợ trả tiền điện, con cái họ được miễn giảm học phí...
Tuy nhiên, trên tổng thể, an sinh xã hội chưa phát triển đồng bộ, chưa tương xứng với tốc độ phát triển kinh tế. Phần lớn người lao động, trong đó đa số là nông dân vẫn phải vất vả lo miếng cơm manh áo hàng ngày. Nguyên nhân do nhiều chính sách chưa nhìn nhận sát đúng thực trạng về đời sống, trình độ dân trí, cách tiếp cận thông tin của người dân. Rồi khi gặp thiên tai, dịch bệnh, tác động của khủng hoảng, của cải cách kinh tế… nhiều nơi không được hỗ trợ kịp thời và hiệu quả. Do đó, “vì người nghèo” không chỉ là nhiệm vụ của riêng Nhà nước.
Cuộc vận động “Ngày vì người nghèo” hơn 10 năm qua đã cho thấy ý nghĩa rộng lớn và sâu xa hơn, huy động được sức mạnh của cả hệ thống chính trị và của toàn dân, với hàng ngàn tỉ đồng mỗi năm dành cho mục tiêu nhân văn này. Bên cạnh những nguồn lực tập trung, ở khắp mọi nơi trên đất nước ta đâu đâu cũng có thể gặp những tấm lòng bao dung, những nghĩa cử đùm bọc nhau trong khó khăn hoạn nạn, “thương người như thể thương thân”.
Tuy nhiên, trong bối cảnh tình hình kinh tế khó khăn, thì việc làm sao để giữ ổn định được mức sống, nâng cao thu nhập, ngăn chặn tình trạng tái nghèo vẫn còn là những thử thách không nhỏ. Vì vậy, công tác xóa đói giảm nghèo, chăm lo cho người nghèo phải là công việc thường xuyên của cả hệ thống chính trị cùng với sự hưởng ứng, ủng hộ nhiệt tình của các tầng lớp nhân dân, tổ chức, cơ quan, doanh nghiệp… Một vấn đề nữa cần quan tâm là cần có chính sách để giúp các hộ cận nghèo. Theo thống kê căn cứ vào mức thu nhập thì cả nước hiện có 1,5 triệu hộ cận nghèo. Điều mà các hộ cận nghèo mong đợi nhất là chính sách của Nhà nước về tín dụng áp dụng cho đối tượng là các hộ cận nghèo, như: mức cho vay vốn, lãi suất ưu đãi, xử lý nợ quá hạn; tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống người nghèo, thực hiện dự án phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho người nghèo…
Hy vọng sự đóng góp, ủng hộ của toàn xã hội sẽ tạo thêm nguồn lực để tiếp tục chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho người nghèo và các gia đình chính sách…
|