Gần đây, có hai vấn đề liên quan đến giáo dục - đào tạo được dư luận xã hội rất quan tâm. Đó là việc nhiều địa phương đã “nói không với hệ đào tạo tại chức khi tuyển dụng cán bộ công chức và việc nhiều trường đại học tư thục có nguy cơ phải đóng cửa “chết yểu” vì không đạt chuẩn hoặc không “tìm” được sinh viên vào học.
Trong chuyện thứ nhất, theo quy định hiện hành thì Luật Giáo dục không phân biệt giá trị các loại hình bằng cấp và Luật Công chức cũng không cấm tuyển dụng công chức được đào tạo hệ tại chức. Tuy nhiên, trên thực tế số địa phương, cơ quan, đơn vị… “từ chối” tuyển dụng người được đào tạo hệ tại chức. Lý do những địa phương, cơ quan, đơn vị đưa ra các đánh giá và quyết định như vậy chủ yếu do chất lượng chuyên môn của nhiều người được đào tạo hệ tại chức thời gian qua không đạt yêu cầu đề ra, dẫn đến tình trạng lãng phí nhân lực, tiền của… của họ. Mặc dù mới đây, lãnh đạo Bộ Nội vụ một lần nữa khẳng định không có sự phân biệt nào giữa bằng tại chức hay bằng chính quy trong quá trình tuyển dụng công chức, nhưng một số địa phương đã không ngần ngại “phản ứng” lại và cho rằng, chất lượng đào tạo kém mà đòi hỏi phải chấp nhận là điều vô lý (!).
Còn ở chuyện thứ hai, cũng không có gì lạ. Khoảng mươi năm gần đây trong cả nước đã rầm rộ phong trào mở trường đại học tại các địa phương. Thế là các loại trường đại học cấp tỉnh mọc lên như “nấm sau mưa”; có trường thành lập mới, có trường “lên đời” từ các trường cao đẳng, thậm chí từ trung cấp. Vì thành lập vội vàng theo kiểu “ăn xổi ở thì” nên nhiều trường thiếu đủ thứ, từ cơ sở vật chất cho đến con người đều chắp vá “thiếu trước hụt sau”. Với nền tảng như thế nên chỉ sau một vài khóa đào tạo là tất cả những yếu kém, bất cập của các trường “đời mới” bộc lộ ra cả, khiến bàn dân thiên hạ… “thất kinh”. Một khi chất lượng đào tạo thấp kém, sản phẩm đào tạo không được xã hội tiếp nhận khiến người học quay lưng thì chuyện đóng cửa trường cũng là hệ quả tất yếu mà thôi.
Suy cho cùng, trong hai câu chuyện nêu trên, vấn đề quan trọng nằm ở khâu đào tạo. Nếu đào tạo quy củ, nghiêm túc và bảo đảm chất lượng “đầu ra” thì dù là các mô hình đào tạo nào cũng đều được đối xử công bằng. Tuy nhiên, trên thực tế thì chính các nhà làm giáo dục cũng đã thừa nhận chuyện có lúc, có nơi do khâu đào tạo không nghiêm túc đã để xảy ra các trường hợp người học có văn bằng, chứng chỉ hẳn hoi nhưng khả năng không tương xứng, không đáp ứng được yêu cầu công việc. Tình trạng này xảy ra ở cả hệ chính quy chứ không chỉ riêng đối với hệ tại chức, vì cho dù đào tạo chính quy bài bản nhưng nếu không nghiêm túc cũng dễ rơi vào tình trạng kém chất lượng mà thực tế cũng đã kiểm chứng…
Nói tóm lại, cần phải tuân theo nguyên lý “học đi đôi với hành”. Để không còn chuyện “nói không” với tại chức trong việc tuyển dụng nhân sự, không có chuyện trường đại học “chết yểu” như đã xảy ra thì tự thân ngành giáo dục- đào tạo phải vươn lên, dù là loại hình đào tạo nào, chính quy hay không chính quy thì cũng cần có sự điều chỉnh, cải tổ để bảo đảm chất lượng đáp ứng nhu cầu của xã hội.
|