Đích đến là đây!
22:5', 10/11/ 2012 (GMT+7)

Năm nay, xuất khẩu nông sản của nước ta có sự bứt phá mạnh mẽ. Nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ lực như gạo, cà phê, tiêu... đã đạt kim ngạch ngoại tệ lên đến hàng tỉ, hàng chục tỉ USD và giành ngôi vị hàng đầu thế giới về số lượng. Trong những ngày gần đây thông tin báo chí dồn dập cho biết Việt Nam đã vượt qua Thái Lan để trở thành nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới. Thông tin này đã mang lại niềm vui và sự phấn chấn cho nhiều người, nhất là bà con nông dân.

Tuy nhiên, bên cạnh niềm vui cũng còn không ít băn khoăn vì mặc dù có sản lượng xuất khẩu lớn nhưng giá trị lợi nhuận do xuất khẩu nông sản mang lại vẫn chưa cao. Chẳng hạn, giá xuất khẩu của nông sản Việt Nam vẫn thấp hơn khá nhiều so với đối thủ cạnh tranh Thái Lan. Người nông dân nước ta vẫn chưa được hưởng lợi ích đáng được hưởng từ việc xuất khẩu, nhất là giá cả vẫn bấp bênh khi trồi khi sụt, lợi nhuận sản xuất cũng rất thấp và còn nhiều rủi ro. Cho đến nay, việc mở rộng thị trường và nâng cao giá trị cho nông sản xuất khẩu Việt Nam vẫn là bài toán nan giải bởi sức cạnh tranh các mặt hàng nông sản của ta chưa cao.

Theo các chuyên gia về thương mại quốc tế, để đẩy mạnh xuất khẩu nông sản khi giá thấp không còn là lợi thế cạnh tranh được đề cao, Việt Nam phải chủ động khai thác lợi thế của nền nông nghiệp nhiệt đới, hướng mạnh vào phát triển sản phẩm sạch, giá trị tăng cao, có sức cạnh tranh và vượt được rào cản thương mại của các nước nhập khẩu; đồng thời, phải từng bước chuyển từ xuất khẩu nông sản thô sang xuất khẩu tinh. Chẳng hạn, với cao su thì nên sản xuất và xuất khẩu vỏ ô tô hay các sản phẩm từ nguyên liệu cao su cho các ngành công nghiệp chế tạo, sản phẩm y tế, tiêu dùng khác… chứ không nên chỉ lo xuất khẩu mủ cao su, khiến cho thị trường nguyên liệu nội địa tăng giá bất thường. Các sản phẩm khác như hạt điều, cà phê… vì chủ yếu chỉ xuất thô nên qua nhiều năm vẫn không khẳng định được thương hiệu sản phẩm trên thị trường quốc tế.

Kinh nghiệm phát triển kinh tế của nhiều quốc gia đi lên từ nông nghiệp đã chỉ ra rằng, nếu chỉ tạo nguồn nguyên liệu lớn thì chưa đủ, mà cần cả giá trị sản phẩm được tạo ra từ nguồn nguyên liệu đó. Chính hàm lượng giá trị gia tăng trong xuất khẩu hàng hóa, đặc biệt là hàng nông sản nội địa mới là bước phát triển mang tính chiến lược, căn cơ lâu dài, do đó cần đẩy mạnh cả lĩnh vực sản xuất nguyên liệu và cả lĩnh vực chế biến. Sự thách thức về cạnh tranh trong tương lai không chỉ là sản lượng, giá bán, mà là chất lượng, giá trị thương phẩm mà ngành nông nghiệp tạo ra. Bởi lẽ, suy cho cùng thì hiệu quả sản xuất và lợi nhuận thu được mới là yếu tố quyết định ngôi vị trên thương trường quốc tế chứ không phải chỉ đơn thuần là số lượng !

Đó là bài toán và cũng là đích đến của xuất khẩu nông sản Việt Nam. 

  • Hải đăng
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Học & Hành   (09/11/2012)
Cần quy hoạch vùng nuôi chim yến   (06/11/2012)
Cùng chia sẻ  (03/11/2012)
Chuyện bình thường!  (02/11/2012)
Những nỗi đau để lại  (30/10/2012)
Xây dựng đội ngũ doanh nhân lớn mạnh   (27/10/2012)
Chăm lo cho người nghèo   (26/10/2012)
“Phi nông bất ổn”!  (20/10/2012)
Phải làm gương !  (19/10/2012)
Không chỉ là tăng mức phạt…  (14/10/2012)
Không chủ quan!  (12/10/2012)
“Ai cũng được học hành”  (06/10/2012)
Việc cưới xin !  (06/10/2012)
Biến tướng !?  (29/09/2012)
Hài hòa lợi ích   (29/09/2012)