Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, "lãng phí thì không trực tiếp ăn cắp, ăn trộm của công, nhưng kết quả tai hại đến tài sản của Nhà nước, của tập thể, thì lãng phí cũng có tội. Tham ô là trộm, cướp, lãng phí tuy không lấy của công đút túi, song kết quả cũng rất tai hại cho nhân dân, cho Chính phủ, có khi còn tai hại hơn tham ô…".
Tham nhũng và các vấn đề liên quan đến phòng chống tham nhũng đã làm "nóng" nhiều phiên thảo luận của Quốc hội trong tuần vừa qua và kẻ "song sinh" với tham nhũng là lãng phí cũng đã được nhiều đại biểu Quốc hội đề cập. Tuy nhiên, vấn đề chống lãng phí vẫn chưa thật sự được quan tâm đúng mức, hay nói cách khác, chưa được đặt đúng với mức độ nguy hiểm mà lãng phí gây ra cho toàn xã hội.
Mới đây, báo giới đưa tin Vinashin Atlantic, một con tàu thuộc hàng "đại ca" của Vinashin, đã trở thành đống phế liệu bị bỏ lại ngoài biển Vũng Tàu. Mỗi ngày qua đi, nước biển gặm nhấm từng phần còn lại.
Theo những thuyền viên, con tàu khai thác được đôi ba lần thì "nằm chết". Chưa hết, tàu Green Sea, trọng tải 76.000 tấn của Vinashin cũng đang nằm "chết lâm sàng" ở vùng biển tỉnh Quảng Ninh từ nhiều tháng qua. Cùng với đó là con tàu Speedy Falcon của Công ty cổ phần Vận tải dầu khí Việt Nam cũng neo đậu tại khu vực Hòn Miều (TP Hạ Long) từ tháng 11-2011 đến nay… Số phận những con tàu già cỗi này đến đâu vẫn là một câu hỏi.
Thêm nữa, dư nợ tín dụng liên quan đến bất động sản, như vay kinh doanh bất động sản, vay đầu tư sản xuất kinh doanh và thế chấp bằng bất động sản… vào khoảng hơn 1 triệu tỷ đồng. Cả nước tồn 16.469 căn hộ chung cư, 4.116 nhà thấp tầng, 25.870m2 nhà văn phòng cho thuê… Chưa kể cả nghìn tỷ đồng vào khu công nghiệp, khu chế xuất, sân bay, bến cảng, không phát huy được hiệu quả. Dự án đầu tư xây dựng cảng trung chuyển quốc tế Vân Phong (Khánh Hòa) khởi công xây dựng cách đây gần 3 năm nhưng thi công ì ạch, đóng được 114 chiếc cọc trong vịnh rồi "đứng" luôn từ tháng 6-2010 cho đến nay cũng là một ví dụ về sự lãng phí.
Những ví dụ trên đây là những lãng phí "hữu hình", còn những lãng phí vô hình như lãng phí trong sử dụng đất đai, lãng phí nguồn nhân lực, rồi hàng chục nghìn luận án tiến sĩ, hàng trăm nghìn đề tài nghiên cứu khoa học được đóng bìa cứng, xếp ngăn nắp như những vật trang trí cho các thư viện hoặc ở các viện nghiên cứu… Trong thời đại của kinh tế tri thức hiện nay, chưa đầy 30% kết quả nghiên cứu khoa học được ứng dụng hoặc ứng dụng một phần vào thực tiễn là một con số rất đáng phải suy nghĩ.
Lãng phí diễn ra khắp mọi nơi, lớn có, nhỏ có, tác động tiêu cực đến nền kinh tế và đời sống xã hội. Số tiền lãng phí gây ra cho xã hội lên tới hàng nghìn tỷ đồng và con số này hoàn toàn có thể đong đếm. Cũng với số tiền đó, chúng ta có thể xây dựng được bao nhiêu ngôi nhà cho người thu nhập thấp, cứu trợ cho bao nhiêu người trong thiên tai hoạn nạn, vực dậy bao nhiêu doanh nghiệp đang bên bờ phá sản… là chuyện hoàn toàn có thể tính toán được. Lãng phí là một căn bệnh trầm kha đang tàn phá cơ thể đất nước. Thế nhưng điều đáng buồn là chúng ta chưa coi lãng phí là "quốc nạn", chưa có hệ thống pháp luật đủ mạnh để phòng chống một cách hiệu quả tình trạng lãng phí và kết tội những hành vi lãng phí.
Lãng phí "có khi còn tai hại hơn tham ô", nếu tình trạng lãng phí hiện nay chưa được đẩy lùi cũng có nghĩa là mối nguy vẫn còn đó trong lòng xã hội.
. Theo HNM |