Mới đây, trên diễn đàn của kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIII, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến thẳng thắn thừa nhận chuyện phong bì là thực tế đã và đang diễn ra và kêu gọi cử tri không tiếp tay cho “văn hóa” phong bì tồn tại trong ngành y tế.
Phải nói rằng, việc thẳng thắn thừa nhận về một vấn nạn đáng xấu hổ như vậy trước bàn dân thiên hạ của người đứng đầu ngành y tế có thể coi là một hành động dũng cảm. Bởi lẽ, trong một số không ít các trường hợp đã xảy ra, khi đề cập đến các tiêu cực tương tự thì không ít người đứng đầu các cơ quan, đơn vị khác, thậm chí là các cơ quan được xếp vào nhóm tham nhũng hàng đầu, lại chọn giải pháp không thừa nhận, tỏ vẻ ngạc nhiên, bất ngờ và “hứa” sẽ tìm hiểu và… “kiên quyết xử lý nghiêm” nếu phát hiện là có thật (!).
Thực tế cho thấy vấn nạn phong bì không phải là chuyện riêng của ngành y tế, mà là một thực trạng nhức nhối khá phổ biến trong đời sống xã hội từ nhiều năm qua, xảy ra ở rất nhiều lĩnh vực, nhiều ngành khác nhau, nhất là ở các lĩnh vực nhạy cảm liên quan trực tiếp đến quyền lực và lợi ích. Vì vậy, có nơi việc đưa phong bì gắn liền với các quy ước ngầm về mức độ dày mỏng của sự chung chi như một thông lệ; có chỗ thì đưa phong bì gắn với mức độ làm lợi mang lại… Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp không bị đòi hỏi người ta vẫn cứ chi như một khoản đầu tư, một khoản bôi trơn cần thiết cho công việc.
Dù có biện minh theo cách nào đi nữa thì chuyện nhận phong bì trong khi thi hành công vụ hay khi làm công việc đã được trả lương, đều là một sự vi phạm đạo đức nghề nghiệp, vi phạm pháp luật rất cần phải chấn chỉnh. Đây là biểu hiện cụ thể của sự xuống cấp đạo đức trong xã hội, sự coi thường kỷ cương pháp luật trong bộ máy công quyền. Vì vậy, về mặt nhận thức thì cần phải coi vấn nạn này là một loại bệnh và chúng ta phải chung tay “trị bệnh” .
Vấn nạn phong bì đã và đang là một thực trạng đáng lên án, không những không phù hợp với chuẩn mực đạo đức thông thường mà trong nhiều trường hợp còn là sự vi phạm pháp luật. Hệ lụy mà nó có thể gây ra cho xã hội là rất nghiêm trọng nên cần coi đây là một loại “ung nhọt” nguy hiểm cần phải mạnh tay cắt bỏ. Vì thế, không thể chỉ dừng lại ở việc vận động hay thuyết phục mà cần giải quyết rốt ráo, triệt để bằng các biện pháp mạnh, các chế tài kiên quyết được quy định bằng luật pháp. Chỉ khi nào vấn nạn bôi trơn bằng phong bì, thực chất là hành vi hối lộ và tham nhũng được xóa bỏ, các hoạt động trong xã hội vận hành theo đúng quy luật bình thường thì mới trả lại niềm tin vào luật pháp và lẽ công bằng cho xã hội.
|