Ðừng bất cập!
0:39', 25/11/ 2012 (GMT+7)

Những ngày gần đây, việc lực lượng cảnh sát giao thông kiểm tra “xe chính chủ” theo Nghị định 71/2012/NĐ-CP, có hiệu lực từ ngày 10.11.2012, đã khiến dư luận sửng sốt về tính bất cập của nó. Phải khẳng định, với tình hình giao thông cũng như những phức tạp phát sinh trong công tác quản lý phương tiện, quản lý xã hội hiện nay thì việc siết chặt lại là cần thiết.

Nhưng làm thế nào để chính sách được người dân tiếp nhận là một điều không thể không quan tâm. Với trường hợp quy định về “xe chính chủ”, ngay sau khi dư luận lên tiếng, quan điểm của những người có trách nhiệm cũng không thống nhất, thậm chí còn khiến người dân hoang mang hơn, đẩy những tranh cãi trong xã hội thêm gay gắt.

Đến hôm nay, sau khi có những giải thích cụ thể và rõ ràng hơn của những người có trách nhiệm của cơ quan chức năng, những bức xúc trong dư luận quanh chuyện phạt người đi xe máy không “chính chủ” đã phần nào lắng xuống, người dân đã thở phào nhẹ nhõm. Tuy nhiên, qua sự kiện này cho thấy rõ hơn một điểm yếu rất lớn trong quá trình xây dựng chính sách pháp luật, đặc biệt là việc gần đây có nhiều chính sách chưa sát thực tế dẫn đến người dân và người thực thi hiểu sai, thực thi kém hiệu quả, thậm chí có tác dụng ngược gây những bức xúc trong xã hội.

Về nguyên tắc, văn bản luật được soạn thảo và ban hành phải có tính chính xác, rõ ràng, một nghĩa, tức phải tránh tối đa một quy phạm có thể hiểu theo nhiều nghĩa, có thể bị suy diễn… Một văn bản quy phạm như Nghị định 71 vốn dự tính sẽ được thực thi hàng ngày, sát sườn với người dân mà ngay cả cơ quan thực thi còn hiểu khác nhau, chứng tỏ nó chưa được soạn thảo kỹ lưỡng và chắc chắn khó có thể làm tốt nhất chức năng của mình. Tác hại của những quy định pháp luật không đi được vào đời sống này rất lớn, mà điều dễ nhận thấy nhất là tình trạng “nhờn luật” của người dân, dẫn đến hệ quả không tốt là vừa tốn thời gian công sức của xã hội, gây nên những bức xúc không đáng có, đồng thời cũng làm cho văn bản pháp luật vào tình thế mất hiệu lực, tinh thần thượng tôn pháp luật có nguy cơ bị đe dọa...

Khi Nhà nước quản lý xã hội bằng pháp luật, phát huy vai trò nhà nước pháp quyền thì mọi tổ chức, công dân đều phải thực thi nghiêm chỉnh những điều luật pháp đã quy định. Tất nhiên ngược lại, để người dân tuân thủ pháp luật cũng đòi hỏi pháp luật phải được xây dựng trên tinh thần phục vụ nhân dân, vì lợi ích của người dân, đáp ứng được yêu cầu của xã hội, ban hành đúng quy trình, đúng thẩm quyền, bảo đảm tính khả thi… Dân “nhờn” luật một phần do ý thức, trách nhiệm với cộng đồng của chính người dân chưa tốt, nhưng phần khác là do quy phạm pháp luật còn thiếu tính khả thi, chặt chẽ, chưa đáp ứng đúng nhu cầu xã hội thời điểm ban hành và thiếu tính dự báo trong tương lai. 

Bài học về “xe chính chủ” hiện nay cũng tương tự như việc “cấm hút thuốc nơi công cộng” trước đây, là các điển hình về sự bất cập của pháp luật, khi quy định không sát thực tế, không đi vào được cuộc sống, gây phiền hà cho cả người thi hành và người bị điều tiết nên đã không mang lại tác dụng như mong muốn là điều cần được rút kinh nghiệm sâu sắc để tránh lặp lại trong tương lai.

  • HẢI ÐĂNG
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Trị bệnh… “phong bì” !?  (23/11/2012)
Nỗi đau không của riêng ai!  (17/11/2012)
Ðể niềm vui trọn vẹn!  (17/11/2012)
Tai hại hơn tham ô  (12/11/2012)
Đích đến là đây!  (10/11/2012)
Học & Hành   (09/11/2012)
Cần quy hoạch vùng nuôi chim yến   (06/11/2012)
Cùng chia sẻ  (03/11/2012)
Chuyện bình thường!  (02/11/2012)
Những nỗi đau để lại  (30/10/2012)
Xây dựng đội ngũ doanh nhân lớn mạnh   (27/10/2012)
Chăm lo cho người nghèo   (26/10/2012)
“Phi nông bất ổn”!  (20/10/2012)
Phải làm gương !  (19/10/2012)
Không chỉ là tăng mức phạt…  (14/10/2012)