Gần đây, tại diễn đàn Quốc hội, người đứng đầu ngành y tế đã lên tiếng khá mạnh mẽ về tệ nạn “phong bao phong bì” tại các cơ sở khám chữa bệnh, đề nghị người dân tham gia chống lại. Tương tự, ngành công an cũng không chỉ một lần tuyên bố kỷ luật ngay các cán bộ, chiến sĩ thuộc lực lượng cảnh sát giao thông có hành vi nhận tiền lót tay khi thi hành công vụ.
Phải nói rằng trong bối cảnh nhiều lĩnh vực đang xảy ra tình trạng người thi hành công vụ vòi vĩnh, ép buộc người dân phải có “phong bao phong bì” - thực chất là hối lộ - thì mới giải quyết công việc hoặc bỏ qua lỗi vi phạm.
Tuy nhiên, lãnh đạo ngành y tế lại lên tiếng đòi hỏi (và động viên) người dân cung cấp bằng chứng để thực hiện việc xử lý kỷ luật người vi phạm. Dư luận xã hội vừa phần nào bớt bức xúc vì thái độ kiên quyết đã lại ngay lập tức cảm thấy nao lòng vì cái yêu cầu cung cấp bằng chứng chẳng khác gì một sự… “đánh đố” đối với người dân. Thường thì người bệnh hoặc người nhà lo lót “phong bao phong bì” cho nhân viên y tế vì muốn mình được chữa trị tốt hơn, được quan tâm chu đáo hơn. Trong số họ có người tự nguyện, có người bị buộc phải đưa thì mới mong được sự đối xử tử tế hơn. Nhưng dù thế nào thì người ta cũng khó mà có thể quay phim, chụp ảnh hay ghi âm để làm bằng chứng tố cáo với lãnh đạo ngành y tế được. Tương tự, việc hối lộ cảnh sát giao thông của các lái xe, người đi đường vi phạm luật là khá phổ biến, báo chí cũng đã nhiều lần phản ánh với các bằng chứng xác thực. Nhưng đây chỉ là một phần rất nhỏ của thực tế diễn ra trên đường mà báo chí thực hiện chức năng giám sát của mình phản ảnh như là một cách gióng lên hồi chuông để báo động và cảnh tỉnh về một mặt tiêu cực của xã hội mà thôi. Còn những người lái xe mưu sinh hàng ngày trên các tuyến đường thì việc “phong bao phong bì” cho nhân viên cảnh sát như là một “khoản đầu tư” để tiện bề làm ăn sinh sống lâu dài.
Như vậy có thể thấy việc các lãnh đạo yêu cầu cung cấp bằng chứng là rất chính đáng nhưng về phương diện thực tế là không khả thi. Có ý kiến cho rằng như vậy thì khác gì chuyền quả bóng trách nhiệm của mình cho người khác. Về nguyên tắc, bất kỳ tổ chức, hệ thống nào cũng cần phải tự xây dựng cơ chế kiểm soát để phòng ngừa ngay trong tổ chức, hệ thống của mình, tương tự như cơ thể có hệ miễn dịch vậy. Ngoài ra, còn hàng loạt các vấn đề thuộc về trách nhiệm của người công chức, viên chức như trách nhiệm công vụ, lương tâm, đạo đức nghề nghiệp, lòng tự trọng, sự tuân thủ luật pháp… mà mỗi cá nhân trong tổ chức, hệ thống có nghĩa vụ phải thực thi. Mặt khác, phải có cơ chế giám sát, phòng ngừa vấn nạn “phong bao phong bì” một cách chủ động chứ không phải là chờ có bằng chứng của người dân thì mới xử lý. Mới đây, ông chủ tịch HĐND thành phố Đà Nẵng đã yêu cầu lực lượng công an chỉ lập một số trạm kiểm soát cố định tại các cửa ngõ chính ra vào thành phố, lắp camera kiểm soát 24/24 giờ, không cho cảnh sát giao thông chặn xe trên đường để hạn chế việc nhận hối lộ; những người vi phạm sẽ bị kỷ luật tước quân tịch và đưa ra khỏi ngành.
Có thể nói quyết tâm và cách làm của Đà Nẵng nhằm chống tiêu cực trong lực lượng cảnh sát giao thông là một ví dụ rất đáng được tham khảo, nhân rộng ở các ngành và các địa phương khác. Hãy làm quyết liệt bằng các biện pháp mạnh mẽ, tích cực như thế chứ đừng nên “đánh đố” người dân bằng việc yêu cầu cung cấp bằng chứng!
|