Theo lệ thường, hàng năm cứ vào dịp lễ tết, nhất là vào dịp đầu năm mới dương lịch và Tết Nguyên đán là các hoạt động kinh doanh bất chính lại diễn biến phức tạp. Đây cũng là cơ hội để các hoạt động sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng, không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm đối với các mặt hàng thiết yếu phục vụ tiêu dùng trong dịp Tết (bánh mứt, kẹo, rượu - bia, nước giải khát, thuốc lá, hoa quả, lương thực, thực phẩm các loại) tranh thủ “làm ăn” bất chấp sự trừng phạt của pháp luật.
Liên tiếp mấy ngày gần đây, các cơ quan chức năng trong nước đã phát hiện nhiều vụ sản xuất, kinh doanh hàng giả. Trong đó có hai vụ sản xuất rượu giả và không đảm bảo chất lượng có khối lượng hàng hóa rất lớn, trị giá nhiều tỉ đồng. Đáng sợ hơn là vụ sản xuất rượu ngâm thảo dược có chất gây nghiện với số lượng lớn, nếu không bị phát hiện, ngăn chặn thì chưa rõ nó sẽ gây hại đến mức nào cho người tiêu dùng và gây ra những hệ lụy gì về lâu dài cho xã hội.
Ở tỉnh ta, trong thời gian qua lực lượng quản lý thị trường cũng đã phát hiện, ngăn chặn nhiều vụ vận chuyển, kinh doanh hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc, không đảm bảo chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm… của nhiều loại hàng hóa khác nhau với khối lượng không nhỏ. Tuy nhiên, số vụ bị phát hiện, xử lý chắc chắn là ít hơn số vụ việc diễn ra thực tế.
Vì vậy, để bảo vệ trật tự, kỷ cương trong kinh doanh trong thời gian cao điểm này các cơ quan chức năng cần tập trung kiểm soát tình hình giá cả thị trường, hoạt động cung - cầu đối với các mặt hàng thiết yếu, nhóm các mặt hàng thuộc diện bình ổn giá, chống các hiện tượng lợi dụng sự biến động hàng hóa để đầu cơ, găm hàng, nâng giá bán bất hợp lý, buôn lậu…. Bên cạnh đó, cũng cần tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về lĩnh vực thương mại nhằm làm cho các tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh trên địa bàn nắm bắt và thực hiện đúng quy định của pháp luật.
|