Bình Định là một trong 20 tỉnh, thành trong cả nước triển khai thực hiện thí điểm bảo hiểm chăn nuôi giai đoạn 2011-2013 theo Quyết định số 315/QĐ-TTg ngày 1.3.2011 của Thủ tướng Chính phủ. Tỉnh ta được chọn thực hiện thí điểm bảo hiểm heo thịt, heo nái, heo đực giống; bò thịt, bò cày kéo, bò sinh sản và bò sữa.
Hoạt động bảo hiểm nông nghiệp cho nông dân đã ra đời từ những năm đầu thập niên 1980. Tuy nhiên, do sản xuất nông nghiệp là ngành sản xuất nhiều rủi ro nên từ trước đến nay rất ít công ty bảo hiểm vào đầu tư. Hiện tại, đa số nông dân vẫn sản xuất tự phát, mỗi người một kiểu, không theo quy trình nên mức độ rủi ro là rất cao. Nếu có phương thức sản xuất đồng bộ để giảm thiểu và khống chế mức độ rủi ro sẽ giảm bớt thiệt hại cho nông dân.
Theo Quyết định số 315/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Nhà nước sẽ hỗ trợ 100% phí bảo hiểm cho hộ nông dân, cá nhân nghèo sản xuất nông nghiệp tham gia thí điểm; hỗ trợ 80% cho hộ nông dân, cá nhân cận nghèo sản xuất nông nghiệp tham gia thí điểm và 60% cho hộ nông dân, cá nhân không thuộc diện nghèo, cận nghèo sản xuất nông nghiệp tham gia thí điểm…
Theo tính toán, nông dân mua bảo hiểm cho một con bò thường phải bỏ ra khoảng 320.000 đồng (5% giá trị bảo hiểm). Với quyết định mới, họ sẽ được hỗ trợ tới 90% phí mua bảo hiểm, tức là Nhà nước sẽ hỗ trợ tới 288.000 đồng, nông dân chỉ phải nộp 32.000 đồng. Nếu chẳng may bò chết vì dịch bệnh, người không mua bảo hiểm chỉ được nhận tối đa 800.000 đồng nhưng nếu đóng bảo hiểm, họ sẽ được nhận bồi thường lên tới 7,2 triệu đồng, tức là gấp hơn 200 lần. Nhưng quan trọng hơn là thông qua việc thực hiện bảo hiểm sẽ giúp nông dân thay đổi phương thức sản xuất. Đối tượng được hỗ trợ thí điểm bảo hiểm sẽ thực hiện chăn nuôi, phòng dịch bệnh cho vật nuôi theo quy trình được phê duyệt.
Giúp nông dân có nhận thức cao về bảo hiểm nông nghiệp để họ tự nguyện tham gia bảo hiểm cho mọi đối tượng cây trồng, vật nuôi mà không cần sự hỗ trợ từ phía Nhà nước là mục tiêu lâu dài và là đích đến mà chúng ta cần hướng tới. Điều này chỉ có thể trở thành hiện thực khi phần lớn nhà nông không còn bị đè nặng bởi tâm lí “ăn xổi ở thì”.
Bởi vì, suy cho cùng thì việc thực hiện bảo hiểm cho sản xuất nông nghiệp là nhằm tránh rủi ro cho người nông dân.
|