Hiểm họa từ đường ray
0:8', 12/2/ 2012 (GMT+7)

Từ sau Tết Nguyên đán đến nay, tại nhiều nơi trong nước liên tiếp xảy ra các vụ tai nạn nghiêm trọng liên quan đến đường sắt khiến nhiều người giật mình. Qua những vụ tai nạn này, có thể thấy tai nạn giao thông có liên quan đến đường sắt vẫn là nguy cơ tiềm ẩn, thậm chí có chiều hướng gia tăng hiện nay.

Theo thống kê của ngành đường sắt, trên các tuyến đường sắt (chủ yếu là trên tuyến Bắc - Nam) hiện có gần 1.500 đường ngang có phép và 5.000 đường ngang không có phép. Riêng trên tuyến đường sắt Thống nhất chạy qua Bình Định có 19 đường ngang có gác, 20 đường ngang có tín hiệu cảnh báo tự động, 21 đường ngang có biển báo; Công ty Quản lý đường sắt Nghĩa Bình quản lý 18 đường ngang có gác, 10 đường ngang có tín hiệu cảnh báo và 21 đường ngang có biển báo. Ngoài ra, còn có hàng trăm đường ngang tự mở, trong đó, nhiều đường ngang có ô tô lưu thông. Tình trạng xây dựng các công trình xây dựng như nhà ở, tường rào… vi phạm chỉ giới hành lang an toàn giao thông đường sắt vẫn chưa được giải quyết dứt điểm. Hiện tượng trẻ em chăn thả trâu bò, đùa nghịch, đặt các chướng ngại vật trên đường tàu, ném đất đá lên tàu vẫn còn xảy ra… Thực tế nhiều năm qua cho thấy, hàng năm trên địa bàn tỉnh đều xảy ra tai nạn giao thông đường sắt, trong đó có những vụ rất nghiêm trọng.

Thực trạng trên tiềm ẩn vô số nguy cơ gây ra những tai nạn khó lường trên đường sắt. Theo ngành đường sắt đánh giá, các loại đường bộ cắt ngang đường sắt này, ngay cả với những đường ngang hợp pháp, cũng có đến trên 85% không đủ điều kiện quy định như tầm nhìn bị hạn chế, độ dốc cao quá quy định, thiếu bảng tín hiệu giao thông, đèn tín hiệu, thanh chắn đường, người gác đường… Tình trạng này còn cao hơn rất nhiều với các đường ngang tự mở, không xin phép.

Một vấn đề không thể bỏ qua là trong khi an toàn giao thông đường bộ đã được giáo dục, tuyên truyền khá thường xuyên thì an toàn giao thông đường sắt, qua đường sắt chưa có được sự quan tâm cần thiết. Hầu hết các vụ tai nạn xảy ra do ý thức của người tham gia giao thông khi qua các đường ngang còn kém, lái xe chủ quan, người đi bộ lơ là. Các vụ tai nạn điển hình làm chết 7 người trên địa bàn Hà Nội và chết 3 người ở Quảng Ngãi đều là các lái xe do bất cẩn vượt đường ngang hoặc đỗ cạnh đường ngang không đúng quy định đã cho thấy rõ thực trạng này.

Trong khi trên chiều dài dọc suốt tuyến đường sắt đi qua có đủ các dạng mất an toàn ẩn chứa nguy cơ xảy ra tai nạn bất kể lúc nào, bên cạnh đó là việc tuyên truyền, giáo dục ý thức an toàn giao thông liên quan đến đường sắt cho người dân còn bất cập thì các nguy cơ hiểm họa từ đường ray vẫn là nỗi lo thường trực, là tai họa treo lơ lửng trên đầu mọi người.            

  • Hải đăng
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Tránh rủi ro cho nông dân   (11/02/2012)
Năm mới, tình hình có mới?  (06/02/2012)
Ứng xử với hoa!  (04/02/2012)
Không chỉ… “giật mình” !  (03/02/2012)
Nghĩ từ hai lễ hội   (01/02/2012)
Kiểu ứng xử lạ ở Ngân hàng TMCP Đông Á  (01/02/2012)
Dư âm ngày Tết  (30/01/2012)
“Căn bệnh” khó chữa  (16/01/2012)
Phải tự sửa mình   (14/01/2012)
Để nhà nhà đều có Tết!  (13/01/2012)
An toàn đón Xuân!  (07/01/2012)
Phúc - họa từ… miệng!  (06/01/2012)
Tự tin bước tới !  (31/12/2011)
2012 - Năm an toàn giao thông !  (30/12/2011)
Tiền thưởng Tết: Tỷ, triệu, trăm... và không có gì  (30/12/2011)