Trong những ngày qua, thông tin về phương án tăng viện phí, dự kiến áp dụng từ ngày 1.7 tới đây, đã thu hút sự chú ý của đông đảo dư luận thông qua các phương tiện truyền thông. Theo phương án đã đệ trình và được Chính phủ chấp thuận, sẽ có hơn 400 danh mục dịch vụ, kỹ thuật y tế được điều chỉnh giá với mức tăng từ một đến hàng chục lần so với mức cũ đang được áp dụng.
Có lẽ tất cả chúng ta đều dễ dàng chia sẻ và nhất trí với nhau rằng, việc tăng viện phí và các dịch vụ y tế là việc phải làm trong điều kiện giá cả đã biến động rất xa so với lúc ban hành giá viện phí và dịch vụ y tế trước đây. Tất nhiên, chẳng ai lại thích thú với việc phải móc cái hầu bao, vốn đã hạn hẹp của mình, để tốn thêm chi phí cho các loại sản phẩm hay dịch vụ nào đó, và hẳn nhiên y tế cũng không là ngoại lệ. Nhưng cái mà xã hội kỳ vọng là cùng với việc tăng giá thì chất lượng dịch vụ, sản phẩm cũng sẽ tăng tương ứng. Nghĩa là tới đây chất lượng khám, chữa bệnh ở các bệnh viện sẽ được cải thiện so với lúc chưa tăng phí.
Hiện cả nước có vài chục bệnh viện tuyến trung ương, hơn bốn trăm bệnh viện tuyến tỉnh, gần 650 bệnh viện huyện, hàng ngàn trạm y tế và hàng trăm bệnh viện tư nhân. Theo một đánh giá khảo sát của chính ngành y tế thì hiện thời đa số các bệnh viện còn rất hạn chế về cơ sở vật chất cũng như điều kiện thực hiện khám, chữa bệnh. Tình trạng quá tải bệnh nhân, hai, ba hay bốn người nằm chung một giường không phải là hiếm, thậm chí mới đây bộ trưởng ngành này còn phát hiện có nơi bệnh nhân còn nằm ở… gầm giường(!).
Theo như lời khẳng định của lãnh đạo Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam trả lời báo chí, thì với việc áp dụng viện phí mới, người bệnh sẽ không phải nộp thêm bất cứ khoản nào cho cơ sở khám bệnh. Thế nhưng, thực tế nhiều năm qua cũng cho thấy, chuyện phong bì quà cáp vẫn nổi cộm ở hầu như tất cả các cơ sở khám, chữa bệnh, nhất là ở các cơ sở công lập.
Phía BHXH đã chính thức lên tiếng kêu gọi người dân cùng giám sát chuyện thu phí tại các bệnh viện, cũng như giám sát chất lượng dịch vụ tương ứng. Nhưng làm thế nào để người bệnh đánh giá chính xác chất lượng dịch vụ mà họ được hưởng thụ. Vì thế, không phải ai khác ngoài chính cơ quan quản lý phải nhận trách nhiệm đánh giá chất lượng dịch vụ y tế. Để thực hiện vai trò này, ngành y tế cần hình thành một hệ thống giám sát độc lập, trong đó giám sát cả vấn đề chất lượng dịch vụ y tế và việc thu chi trong khám, chữa bệnh để đảm bảo cho người dân được hưởng chất lượng sản phẩm, dịch vụ y tế tương xứng với chi phí mà họ phải chi trả.
Chốt lại, vấn đề đặt ra cho ngành y tế là ngành này phải có những giải pháp tích cực và nhất là có cơ chế giám sát “hậu tăng phí” để người dân được hưởng lợi tương xứng với chi phí gia tăng mà họ chi trả.
|