Đi lại trong thành phố hầu như không nghe tiếng còi ô tô bóp inh ỏi, không nhìn thấy cảnh chen lấn hay vụ va quẹt giao thông nào. Trên đường, các dòng ô tô, xe máy cứ điềm tĩnh lăn bánh đúng là đường của mình, sẵn sàng nhường đường cho người khác một cách thân thiện… có lẽ tất cả những viễn cảnh nêu trên là niềm mơ ước về văn hóa giao thông ở đất nước ta.
Từ nhiều năm qua, nạn kẹt xe, tắc đường và tai nạn giao thông thường xuyên xảy ra, nhất là ở các đô thị lớn trong cả nước, đang là nỗi ám ảnh của mỗi người, gây ra hậu quả lớn về kinh tế và xã hội. Đã có rất nhiều các chương trình, hội nghị, hội thảo và cả các công trình khoa học... chuyên đề được tổ chức nhưng vấn nạn tắc đường, tai nạn vẫn không được cải thiện. Hàng loạt các nguyên nhân được chỉ ra như: thiếu tầm nhìn quy hoạch, không đầu tư đúng tầm, đô thị phát triển quá nóng, dân số tăng nhanh, thiếu kinh phí, luật không nghiêm...
Tất nhiên, các nguyên nhân nêu ra là đúng nhưng chưa đủ.
Theo nhiều chuyên gia tổng kết, “nguyên nhân của mọi nguyên nhân” trong vấn nạn này chính là văn hóa giao thông. Bởi lẽ, tình trạng giao thông hỗn loạn ở các thành phố lớn chủ yếu là do văn hóa ứng xử yếu kém của người tham gia giao thông. Một chuyên gia Nhật đã phát biểu trên báo Tuổi Trẻ là có thể giảm ngay 50% tai nạn giao thông nếu ý thức của người tham gia giao thông và văn hóa giao thông có sự thay đổi. Chính cách hành xử bừa bãi, bất chấp luật lệ… đã đẩy mức độ hỗn loạn giao thông trở nên trầm trọng hơn.
Dân ta vốn có truyền thống nhường nhịn lẫn nhau để hình thành nên nét văn hóa nhân văn hướng đến một lối sống khoan hòa. Tuy nhiên, dường như đời sống hiện đại với những hối hả tạo ra thứ tâm lý giành giật “mình phải hơn người khác” đã tác động rất lớn đến suy nghĩ và hành động của đa số dân cư. Vậy nên, tham gia giao thông khi đường đông người ta cứ muốn đi trước người khác, nhiều khi quyết xông lên đến chỗ trống hoặc đẩy người khác ra để chiếm chỗ cho mình. Với thứ tâm lý đó, người ta tranh nhau để được hơn người khác trong khi đi đường. Điều nguy hiểm là thứ tâm lý ích kỷ đó có sức lây lan rất nhanh và chẳng ai chịu nhường ai. Hệ lụy là kẹt xe càng trầm trọng, hỗn loạn giao thông càng thêm hỗn loạn, tai nạn giao thông ngày càng gia tăng...
Cần phải thấy rằng ý thức, trách nhiệm chấp hành luật lệ giao thông và cách ứng xử chuẩn mực có văn hóa của người tham gia giao thông là cái căn cốt tạo nên văn hóa giao thông. Vì vậy, nhìn từ góc độ văn hóa thì có thể nói vấn nạn kẹt xe, tai nạn giao thông ở nước ta chính là bắt nguồn từ cái “kẹt” về văn hóa giao thông… !?
|