Hãy nghe “lời nói thật” của DN
22:33', 26/2/ 2012 (GMT+7)

Vậy là thêm một năm Bình Định tụt hạng về Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI, viết tắt của Provincial Competitiveness Index). Theo công bố PCI 2011, Bình Định tụt 18 bậc, từ thứ 20 năm 2010 xuống thứ 38 năm 2011 (thuộc nhóm khá). Trước đó, năm 2010 Bình Định tụt 13 bậc (từ thứ 7 xuống thứ 20).

Được xây dựng từ năm 2005, PCI là chỉ số đánh giá và xếp hạng chính quyền các tỉnh, thành của Việt Nam trong việc xây dựng môi trường kinh doanh thuận lợi cho việc phát triển doanh nghiệp (DN) dân doanh. Cạnh tranh trong PCI là sự cạnh tranh về sự hài lòng của DN với chất lượng dịch vụ công. Vấn đề không phải là thứ hạng cao thấp, mà vấn đề nằm ở mức độ thân thiện, làm hài lòng cộng đồng DN ở địa phương đó. có thể xem PCI như “lời nói thật” của DN về chất lượng điều hành của chính quyền trong việc tạo môi trường kinh doanh địa phương.

Với việc PCI giảm 18 bậc, xem ra những nỗ lực của tỉnh ta trong minh bạch hóa các thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực thu hút đầu tư chưa đạt kết quả như mong muốn. Bên cạnh đó, cũng phải thấy rằng, trong khi cộng đồng DN ngày càng gia tăng lên về số lượng, thị trường cũng phức tạp hơn và trong năm qua, đối mặt với nhiều khó khăn, thì chính quyền và một số lĩnh vực đã không theo kịp, khiến cho mức độ hài lòng của DN giảm xuống.

Tỉnh ta đã tổ chức hội thảo bàn giải pháp nâng cao PCI cũng như đã có nhiều động thái, nhất là trong cải cách thủ tục hành chính; tuy nhiên, kết quả đạt được còn rất khiêm tốn. Với PCI 2011, thêm một lần nữa, các cơ quan hữu trách cần nhìn lại mình, lắng nghe “lời nói thật” của DN và quyết liệt hơn trong việc thực hiện những giải pháp đã được đưa ra.

Theo một chuyên gia tư vấn Dự án Nâng cao năng lực cạnh tranh Việt Nam, có ba khía cạnh cần nâng cao thể hiện trong kết quả đo lường PCI. Trước hết là việc thực hiện các chính sách của Trung ương như về chi phí gia nhập thị trường, thời gian để thanh tra, kiểm tra... Thứ hai là sự năng động và linh hoạt của chính quyền địa phương trong giải quyết những vấn đề mà DN gặp phải. Thứ ba là sự phối hợp giữa các cơ quan có chức năng quản lý nhà nước.

Như vậy, có thể thấy, việc cải cách hành chính, thủ tục đầu tư của tỉnh chỉ đóng góp một phần vào sự hấp dẫn các nhà đầu tư. Còn những yếu tố quan trọng cần quan tâm như chi phí gia nhập thị trường; tính minh bạch như trong tiếp cận thông tin và liệu các DN muốn  tìm hiểu về kế hoạch xây dựng cơ sở hạ tầng họ có được tiếp cận công bằng và đầy đủ không; tính năng động của các cấp chính quyền địa phương trong việc đáp ứng những yêu cầu chính đáng của DN…

Rõ ràng, để cải thiện năng lực cạnh tranh, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính và tăng cường giám sát việc thực hiện quy trình, thủ tục tại các cơ quan công quyền, giảm khó khăn, cản trở và phiền nhiễu cho người dân và DN là cần thiết. Đồng thời, cần nâng cao tính minh bạch, công khai thông tin và tạo sự phối hợp giữa các cơ quan công quyền trong việc đáp ứng các yêu cầu chính đáng của DN về nhân lực, hạ tầng…

  • NGUYÊN PHONG
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Kẹt... văn hóa !?  (25/02/2012)
Phòng hơn chữa !   (24/02/2012)
Tuy Phước – vẫn còn tình trạng xả rác thải tràn lan  (23/02/2012)
“Hậu tăng phí” !?  (18/02/2012)
Chớ để muộn màng!  (18/02/2012)
Nghĩ từ lễ hội mùa xuân  (12/02/2012)
Hiểm họa từ đường ray   (12/02/2012)
Tránh rủi ro cho nông dân   (11/02/2012)
Năm mới, tình hình có mới?  (06/02/2012)
Ứng xử với hoa!  (04/02/2012)
Không chỉ… “giật mình” !  (03/02/2012)
Nghĩ từ hai lễ hội   (01/02/2012)
Kiểu ứng xử lạ ở Ngân hàng TMCP Đông Á  (01/02/2012)
Dư âm ngày Tết  (30/01/2012)
“Căn bệnh” khó chữa  (16/01/2012)