Tiết giảm chi phí, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, nâng cao hiệu quả kinh tế xã hội và mang lại lợi ích cao nhất cho đất nước là một yêu cầu đặt ra cho nền kinh tế nước ta. Trong điều kiện kinh tế của đất nước có không ít khó khăn như hiện nay, việc thực hành tiết kiệm vừa có tác dụng thiết thực tới sự sống còn của từng đơn vị, doanh nghiệp, đồng thời có ý nghĩa to lớn đối với xã hội.
Thực hiện Nghị quyết 01/NQ-CP ngày 3.1.2012 của Chính phủ, Bộ Tài chính yêu cầu các tập đoàn, tổng công ty nhà nước tiết giảm từ 5 tới 10% được thực hiện trong chi phí quản lý bao gồm chi phí cho bộ máy và các khâu gián tiếp như vật tư văn phòng, điện nước, viễn thông, đi lại, hội họp, tiếp khách… Thời gian qua đã có hàng chục tập đoàn, tổng công ty nhà nước công bố việc tiết giảm chi phí từ 5 tới 10% như Bộ tài chính yêu cầu, với mức tiết giảm trong năm nay lên đến hàng chục, hàng trăm tỉ đồng, cá biệt có những đơn vị con số đó lên tới hàng ngàn tỉ đồng. Đồng tiền đó dù từ ngân sách hay từ nguồn nào thì cũng là của cải chung của xã hội, do đó số tiền tiết giảm được là rất có ý nghĩa.
Tuy nhiên, đã biểu hiện một thực tế không lành mạnh ngay trong những buổi lễ tổ chức cam kết tiết giảm này. Dù chỉ là buổi lễ công bố kế hoạch tiết giảm chi phí nhưng nhiều cuộc có thành phần khách mời quá đông, tiệc tùng quà cáp rất hoành tráng, thậm chí có doanh nghiệp còn thuê hẳn khách sạn “5 sao” để tổ chức lễ tiết giảm cho thêm phần... long trọng và tất nhiên là rất tốn kém.
Chúng ta đang tiếp tục đẩy mạnh việc học và làm theo Bác thì trong chuyện tiết kiệm càng phải thấm nhuần quan điểm của Người. Theo quan điểm của Hồ Chí Minh, tiết kiệm là không xa xỉ, không hoang phí, không bừa bãi. Nhưng tiết kiệm không phải là bủn xỉn, không phải là “xem đồng tiền to bằng cái nong”, gặp việc đáng làm cũng không làm, đáng tiêu cũng không tiêu. Tiết kiệm là chi tiêu những đồng tiền cho những công việc thật cần thiết. Chúng ta chưa giàu thì việc thực hành tiết kiệm càng phải được nỗ lực thực hiện để trở thành thói quen, tính cách xã hội và trở thành một giá trị văn hóa cộng đồng. Có làm ra nhiều của cải mà tiêu xài hoang phí, không tiết kiệm thì cũng khó mà giàu được.
Cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam cần nhận thức sâu sắc tầm quan trọng, sự cấp thiết của chủ trương tiết kiệm chi phí trong bối cảnh hiện nay. Vì vậy, mặt khác, không chỉ tiết giảm từ 5% hay 10% chi phí quản lý cho bộ máy và các khâu gián tiếp mà các doanh nghiệp còn phải nỗ lực đổi mới mô hình tổ chức, cách thức quản trị doanh nghiệp, minh bạch tài chính, đầu tư đổi mới công nghệ, định mức hợp lý về nguyên liệu, vật tư, nhân công..., phấn đấu nâng cao năng suất lao động, nâng cao chất lượng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ… để tăng sức cạnh tranh. Đó mới là cách hưởng ứng chủ trương tiết giảm chi phí có thực chất và hiệu quả.
Vì vậy, không cần thiết và rất… không nên tổ chức các buổi lễ ký kết, công bố thực hiện tiết giảm kiểu… “năm sao” như thực tế đã xảy ra.
|