Những ngày gần đây, các phương tiện truyền thông đại chúng thường xuyên đưa thông tin về thịt thối, thịt bẩn cùng những công nghệ chế biến thịt thối thành đặc sản. Thông tin ấy khiến người tiêu dùng không khỏi lo lắng. Ngay tại tỉnh ta, mới đây, ngày 8.3, gần 3 tấn thịt động vật hôi thối được phát hiện trên một chuyến xe chạy hướng Bắc Nam.
Tuy nhiên, bên cạnh thịt thối, lại có loại thịt tuy không thối nhưng nguy cơ mất an toàn vệ sinh thực phẩm lại không kém thịt thối. Chẳng là, một số người nuôi heo đã bỏ hóa chất vào thức ăn của heo, biến heo thường thành heo siêu nạc; loại thịt đó, nếu ăn vào sẽ bị ngộ độc, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng.
“Cạch” thịt heo - đó là cách lựa chọn của không ít người tiêu dùng trước vấn nạn thịt “bẩn” - hệ quả tất yếu của sự mất niềm tin vào thực phẩm.
Mà không chỉ hiện nay, từ lâu, việc tiếp tục sử dụng những hóa chất cấm dùng trong nuôi trồng, chế biến nông thủy sản, thực phẩm, việc sản xuất một số sản phẩm kém chất lượng do quy trình chế biến hoặc do nhiễm độc từ môi trường… thời gian qua đã làm mất dần niềm tin của người tiêu dùng vào thực phẩm. Từ đó, ảnh hưởng đến sản xuất, tiêu dùng và xuất khẩu.
Hệ quả của sự mất niềm tin vào thực phẩm hiển hiện ngay trong bữa ăn của mỗi gia đình, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe mỗi người, đến cả sự phát triển của sản xuất và sự thịnh vượng quốc gia.
Rõ ràng, những công nghệ phù phép thịt bẩn, những hành vi rất đáng lên án của một số người chăn nuôi, buôn bán gây nguy hại đến sức khỏe của người tiêu dùng đang đến hồi báo động. Nhưng dường như, sự vào cuộc của các cơ quan chức năng chưa thật sự quyết liệt. Các cơ quan công quyền và bảo vệ pháp luật có trách nhiệm bảo vệ an toàn thực phẩm, sức khỏe cho người dân nhưng trên thực tế lại gần như chưa làm tròn trách nhiệm.
Không phải ai cũng có khả năng biến mình thành “người tiêu dùng thông thái” và cũng không thể chỉ trông chờ vào sự thông thái của người nội trợ. Việc cấp bách hiện nay là lấy lại niềm tin của người tiêu dùng vào thực phẩm.
Để làm được điều này, đòi hỏi các cơ quan hữu trách phải có những giải pháp quyết liệt ngăn chặn hành vi táng tận lương tâm của những kẻ xấu. Bên cạnh đó, người tiêu dùng cùng các đoàn thể và chính quyền hãy cùng tham gia giám sát thực hiện cam kết bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm; tẩy chay các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm không bảo đảm vệ sinh, các thực phẩm ô nhiễm, biến chất; tố cáo các hành vi vi phạm các quy định của pháp luật...
|