Trong những năm gần đây, có không ít các doanh nghiệp thường tổ chức sự kiện giới thiệu dự án, khai trương khánh thành công trình, sản phẩm… kèm theo đó là các hoạt động từ thiện, tặng quà cho người nghèo… để gây tiếng vang. Đáng buồn là có không ít trường hợp chuyện từ thiện được bày ra là để “làm màu”, để “đánh bóng” tên tuổi nhất thời. Vụ đám cưới rình rang của một “đại gia siêu nợ” ở miền Tây khiến dư luận ồn ào vừa rồi là một ví dụ của dạng này.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy đa số chủ doanh nghiệp và những doanh nhân chân chính không chọn cho mình cách gây dựng tên tuổi theo cách “hạ sách” như thế. Họ không bao giờ ứng xử kiểu như vung tiền khoe mẽ hay làm từ thiện… “ảo” để lấy danh mà coi trọng cách đối nhân xử thế, lấy “tín nghĩa” làm kim chỉ nam cho cuộc sống cũng như hành xử trong kinh doanh. Với nguyên tắc ứng xử đó, nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn có nguy cơ phải đóng cửa đã vượt qua cơn khốn khó nhờ sự chia sẻ, giúp đỡ của đối tác và cộng sự, công nhân… nhờ cách ứng xử có tình, có nghĩa trước đó.
Đã có nhiều bài học đắt giá với những doanh nghiệp không tính chuyện lâu dài, không lấy chữ tín làm đầu, chỉ lo chụp giựt tức thời đã “chết” một cách nhanh chóng trong những cơn sốc khủng hoảng như thế nào. Thực tế cũng đã cho thấy một khi doanh nghiệp làm ăn theo kiểu phô trương “đẳng cấp ảo”, lấy những “giá trị rỗng” để mưu lợi thì không chóng thì chầy cũng sẽ… “bèo tan bọt nước” (!).
Nước ta đã và đang hình thành nền kinh tế thị trường nên nền tảng văn hóa kinh doanh vẫn chưa định hình một cách rõ nét. Vì vậy, hiện vẫn đang tồn tại cùng lúc nhiều hệ giá trị, cả “tốt” và “xấu”, cả “ảo” và “thực” vẫn xen cài lẫn lộn. Sự tồn tại của dạng văn hóa ứng xử “thể hiện đẳng cấp” bằng của cải một cách quá lố theo kiểu trọc phú, hay những hành vi phản văn hóa như “từ thiện ảo” rất đáng phê phán, là điều khó tránh khỏi nhưng sẽ sớm bị đào thải chứ không thể tiếp diễn lâu dài.
Để tồn tại và phát triển không ngừng, đòi hỏi tất yếu là doanh nghiệp phải có tầm nhìn và chiến lược kinh doanh lâu dài, có sự đầu tư vào nền tảng tri thức, năng lực và đạo đức kinh doanh mới có thể đem lại hình ảnh và giá trị đích thực và bền vững. Kiểu vung tiền vào những chuyện chơi ngông kiểu trọc phú chỉ có thể làm nên những “giá trị ảo” trong chốc lát mà thôi.
Hãy nhớ một câu ngạn ngữ: Chiếc áo không thể làm nên ông thầy tu !
|