Nghị định về việc lập quản lý và sử dụng Quỹ bảo trì đường bộ vừa được ban hành đang được dư luận xã hội đặc biệt quan tâm. Theo nghị định mới, phí bảo trì đường bộ sẽ được thu trên đầu các phương tiện xe máy, ô tô kể từ ngày 1.6.
Trong dự thảo trình Thủ tướng về Quỹ bảo trì đường bộ, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đã đề xuất mức thu phí ôtô theo 7 nhóm. Mức thấp nhất với ôtô dưới 12 ghế, xe tải dưới 2 tấn là 180 ngàn đồng/tháng; mức cao nhất đối với xe tải từ 18 tấn trở lên, xe chở hàng bằng container 40 feet là 1,44 triệu đồng/tháng. Đối với môtô, xe gắn máy mức thu 80.000-120.000 đồng/năm (tùy dung tích xilanh).
Ngoài phí bảo trì đường bộ, một số loại phí khác như phí lưu hành phương tiện giao thông (tại 5 thành phố: Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Cần Thơ, Đà Nẵng) và phí ôtô đi vào khu vực trung tâm các đô thị lớn sẽ được Bộ GTVT trình Quốc hội trong thời gian tới.
Vậy là, cho dù hiện một phương tiện giao thông đã chịu nhiều loại thuế, phí cố định khác như trước bạ, xăng dầu… cùng phí khi đi qua các trạm thu phí trên đường, sắp tới, khi tham gia giao thông, người dân lại “cõng” thêm phí mới.
Tạo nguồn thu cho công tác bảo trì đường bộ, hạn chế phương tiện cá nhân trong điều kiện hạ tầng giao thông còn chưa đáp ứng được nhu cầu là cần thiết nhưng thu phí như thế nào để đạt được mục tiêu, mức thu nào phù hợp vẫn còn là những băn khoăn.
Có ý kiến đề nghị, nếu Bộ GTVT thực hiện việc thu phí bảo trì đường bộ thì phải kiến nghị các cơ quan chức năng bỏ phí xăng dầu, vì thực chất phí xăng dầu hiện tại đang thu chính là phí giao thông.
Còn với hai loại phí đang đề xuất, theo lý giải của Bộ GTVT, là phí lưu hành phương tiện giao thông nhằm hạn chế ùn tắc giao thông và xe cá nhân. Tuy nhiên, để người dân chuyển từ phương tiện cá nhân sang công cộng, trước hết, Nhà nước phải phát triển hệ thống giao thông công cộng; một khi hệ thống này tốt thì người dân sẽ tự giác sử dụng phương tiện công cộng.
Bên cạnh đó, theo nhìn nhận của các chuyên gia, theo quy định của Pháp lệnh Phí và lệ phí và Nghị định số 57/2002/NĐ-CP thì Chính phủ quy định với một số phí quan trọng, có thu lớn liên quan đến nhiều chính sách kinh tế - xã hội của Nhà nước; trong từng loại phí do Chính phủ quy định, Chính phủ có thể ủy quyền cho Bộ, cơ quan ngang Bộ quy định mức thu với từng trường hợp cụ thể cho phù hợp với tình hình thực tế. HĐND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quyết định thu phí, lệ phí được phân cấp.
Như vậy, liệu có xảy ra hiện tượng, tùy theo lợi ích cục bộ của từng đơn vị chủ thu mà đề xuất các loại phí theo cách khác nhau, khiến việc quyết định loại phí, mức phí, cách thu, nộp, quản lý, sử dụng phí không đồng bộ?
Một thực tế hiển nhiên là, càng có nhiều phí và lệ phí, chi phí sẽ tăng. Khi đó, sức mua của nền kinh tế không phát triển; đồng thời, doanh nghiệp phải tăng chi phí. Điều này trực tiếp làm giảm sức cạnh tranh, ảnh hưởng đến sự phát triển của nền kinh tế.
Bởi vậy, cần tính toán một cách toàn diện các loại phí và lệ phí, không chỉ trong lĩnh vực giao thông, theo hướng “khoan thư sức dân”.
|