Có lẽ phải xếp người tiêu dùng nước ta vào loại “thượng đế” bị… xâm hại nhiều nhất thế giới. Thật thế, nếu chỉ đọc báo, xem đài hàng ngày đã đủ thấy vô số các loại hàng dỏm, hàng giả từ đồ ăn thức uống cho đến các loại vật phẩm tiêu dùng thiết yếu hàng ngày như xăng pha, ga chiết và vô số các loại thực phẩm không an toàn… được dành cho “thượng đế Việt”!
Mặc dù từ năm ngoái Luật Bảo vệ người tiêu dùng của nước ta đã có hiệu lực thi hành, còn Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đã có từ lâu ở khắp 63 tỉnh, thành. Mặc dù đã có luật nhưng người tiêu dùng vẫn tiếp tục… “lãnh đủ” với hàng hóa độc hại. Cái nguy hại của sự… “lãnh đủ” này là người tiêu dùng vẫn cứ vô tư sử dụng hàng ngày, để rồi có thể nhiễm bệnh hiểm nghèo, chết dần chết mòn lúc nào chẳng hay.
Vẫn biết mỗi người phải là một người tiêu dùng thông thái, phải tự mình biết bảo vệ mình. Nhưng chỉ có thế là chưa đủ vì có thông thái tới đâu thì họ cũng không thể biết được mọi thứ tốt xấu, đúng sai thế nào. Vì vậy, không thể không tính tới trách nhiệm của các cơ quan chức năng có trách nhiệm. Chính các cơ quan này phải có trách nhiệm tìm ra cách để bảo vệ người tiêu dùng hữu hiệu nhất.
Chẳng hạn như chuyện cái mũ bảo hiểm. Trách nhiệm làm ra cái mũ bảo hiểm không đạt chất lượng trước hết là của nhà sản xuất, kế đến là của nhà quản lý. Nhà sản xuất phải làm đúng chất lượng đã đăng ký. Cơ quan chức năng có trách nhiệm giám sát, kiểm tra. Phải nói rõ ra rằng, chỉ có các cơ quan chức năng mới có đầy đủ khả năng để xác định chính xác đâu là hàng giả, hàng thật. Nếu hàng ngày, hàng tuần các cơ quan chức năng thường xuyên tiến hành kiểm tra để loại bỏ các loại hàng giả, hàng nhái ra khỏi đời sống, thu và tiêu hủy hết các lô hàng nhái, hàng giả, phạt thật nặng nơi sản xuất… thì mới có thể “xóa sổ” các sản phẩm, dịch vụ gian dối ra khỏi đời sống hàng ngày. Ấy vậy mà theo như đề xuất mới đây của các bác bên ngành giao thông thì người tiêu dùng léng phéng còn có thể bị phạt nếu như mua phải mũ bảo hiểm dỏm đội đi xe ngoài đường (!). Sao lại phạt người tiêu dùng chỉ vì họ mua phải mũ dỏm, mũ giả không đảm bảo chất lượng khi họ không thể biết một cách chính xác?
Bảo vệ người tiêu dùng, không thể kêu gọi sự hiểu biết và chọn lựa chung chung. Nên chăng, phải làm một cuộc cách mạng bảo vệ người tiêu dùng bằng cách siết chặt chất lượng sản phẩm từ phía sản xuất với những biện pháp cứng rắn. Do vậy, hơn hết là Nhà nước phải làm tốt hơn nữa công tác quản lý, tăng cường trách nhiệm hơn nữa trong việc bảo vệ quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng. Nếu “thượng đế” đã phải chịu cảnh “tiền mất tật mang” mà lại còn bị phạt thì quả là oan cho “thượng đế” quá, phải không quý bà con mình ơi!
|