“Múa gậy trong bị” !?
23:6', 7/4/ 2012 (GMT+7)

Trong những ngày gần đây, có lẽ chuyện thu phí xe là một trong những vấn đề thời sự sôi nổi nhất trên báo chí và ngoài xã hội. Giới truyền thông cũng như xã hội cùng quan tâm đặc biệt đến vấn đề này vì nó “đụng chạm” đến túi tiền của hầu hết người dân.

Ai cũng biết ở Việt Nam hiện nay với hầu hết người dân thì chiếc xe máy là phương tiện cơ bản để sinh hoạt và mưu sinh. Một khi phải đóng thêm phí (sau khi đã đóng rất nhiều các loại phí khác) thì dù ít dù nhiều cũng trở thành gánh nặng trong cuộc sống của các gia đình, nhất là những người có thu nhập thấp. Cái người dân lo không chỉ là số tiền phải đóng mà còn tính tới tác động giá cả hàng hóa tăng do việc thu phí trong thời kỳ lạm phát như hiện nay. Chất lượng đường giao thông cũng là mối quan ngại khi tình hình chung là quá tệ, mau xuống cấp, hư hỏng nhưng việc tăng phí chưa chắc đã cải thiện được hạ tầng giao thông… 

Thực ra việc thu phí các phương tiện giao thông là việc phải làm. Điều quan trọng là cách làm phải rất cân nhắc, có sự khảo sát tính toán khoa học để tính đến khả năng thu nhập của các tầng các giới, nhu cầu phát triển chung của xã hội, sử dụng tiền đóng góp đúng mục đích...

Việc thu phí như thế nào sẽ được hạ hồi phân giải bởi các cơ quan thẩm quyền. Vấn đề cần bàn rộng hơn chủ trương thu phí là việc ban hành các chính sách của các cơ quan công quyền.

Vừa rồi, sau khi có các ý kiến phản ứng khá quyết liệt từ người dân và báo chí thì mới đây, Bộ trưởng Bộ GTVT đã đăng đàn trả lời các vấn đề liên quan đến việc đề xuất chủ trương thu phí của bộ này. Tuy nhiên, phản ứng tiếp tục của dư luận cho thấy trả lời của ông bộ trưởng chưa được thuyết phục cho lắm và cũng không làm dư luận dịu bớt. Thậm chí, người ta còn cho rằng Bộ GTVT chưa có một cuộc khảo sát thực tế nghiêm túc để có luận cứ khoa học vì đã dễ dàng thay đổi định mức phí của mình đã đề xuất trước đó. Cũng liên quan đến chuyện giao thông, từ trước đến nay dư luận còn rất nhiều lần bức xúc vì các quy định rất bất cập như chuyện thu phí đường cao tốc, chuyện gắn thiết bị giám sát hành trình, chuyện bằng lái hạng FC… đều rất trầy trật, phải hoãn tới hoãn lui thời hạn thực hiện mà mãi rồi vẫn chưa đâu vào đâu. Cách làm chính sách như thế thường được gọi là “múa gậy trong bị” của các nhà làm chính sách(!).

Khi mà các quy định, quyết sách liên quan người dân, tác động trực tiếp đến người dân được ban hành vội vã, không phù hợp với thực tế cuộc sống, không thể đi vào cuộc sống như sứ mệnh của nó thì rõ ràng là có sự tắc trách của các cơ quan ban hành. Phải thấy rõ rằng, đối tượng của các quyết sách là người dân và cũng chính người dân thực hiện. Do đó,  các chủ trương, chính sách đưa ra phải dựa trên cơ sở các luận cứ khoa học đầy đủ, có quy trình chặt chẽ, được tham khảo ý kiến và phản biện tốt nhất để tránh sự bất cập khi thực hiện.

Để chính sách đi vào cuộc sống, được thực thi nghiêm chỉnh và tạo được sự đồng thuận của mọi người trong việc quản lý xã hội thì không thể tiếp tục cách làm “múa gậy trong bị”.

  • HẢI ĐĂNG
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Oan cho… “thượng đế” !?  (06/04/2012)
Nhận thức & hành động  (31/03/2012)
Hành động nhỏ, thay đổi lớn!  (31/03/2012)
Giao thông và những băn khoăn về phí  (25/03/2012)
Ảo & Thực !?  (24/03/2012)
Văn hóa tiêu dùng!  (23/03/2012)
Niềm tin vào thực phẩm  (18/03/2012)
Không chỉ tháng Ba !  (17/03/2012)
Lo từ chuyện… nhỏ !  (16/03/2012)
Tiết giảm … “năm sao” !?  (10/03/2012)
Khi giá xăng dầu tăng  (09/03/2012)
Mở lối vào đời  (04/03/2012)
Hành động là đích đến!  (04/03/2012)
Rác từ… ý thức rác ra !?  (02/03/2012)
Hãy nghe “lời nói thật” của DN  (26/02/2012)