Vẹn cả đôi đường !
20:33', 14/4/ 2012 (GMT+7)

Thực hiện chính sách tiền tệ theo chủ trương của Chính phủ về những giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội năm 2012, ngày 10.4, thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã quyết định giảm 1%/năm các mức lãi suất điều hành của NHNN; trần lãi suất huy động tiền gửi của các ngân hàng thương mại cũng giảm tương ứng. Đây là lần thứ hai trong vòng chưa đầy 1 tháng thống đốc NHNN quyết định giảm lãi suất.

Quyết định giảm lãi suất được dư luận đặc biệt quan tâm bởi nó có tác động và ảnh hưởng đến mọi cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp. Với những người có tiền gửi ngân hàng, việc giảm trần lãi suất huy động chắc hẳn không phải là một tin vui khi tiền lãi từ đồng vốn tiết kiệm của họ giảm đi một chút. Với những người có nhu cầu vốn vay, lãi suất giảm là một tin vui. Mặc dù giảm thêm 1% thì mức lãi suất cho vay hiện vẫn ở mức rất cao so với sức chịu đựng của doanh nghiệp nhưng với mặt bằng lãi suất thấp hơn sẽ tạo điều kiện cho các đơn vị, doanh nghiệp giảm bớt chi phí về vốn, có thêm nguồn lực để khôi phục, ổn định và nâng cao hiệu quả kinh doanh trong thời gian tới. 

Do đó, vấn đề đặt ra là cần có biện pháp quản lý, điều hành hoạt động của hệ thống ngân hàng thật sự minh bạch, theo đúng chính sách để doanh nghiệp có thể tiếp cận được nguồn vốn với lãi suất thấp. Bởi thời gian qua có tình trạng lãi suất huy động và lãi suất cho vay mới giảm trên danh nghĩa, còn thực tế thì khách hàng vẫn phải chịu lãi suất “khủng” khi mức chênh lệch giữa “đầu vào” và “đầu ra” của đồng vốn thực sự lên đến 5 - 6%. Vì vậy mới có tình trạng “tréo ngoe”, trong khi các ngân hàng đua nhau công bố mức lãi ngàn tỉ đồng thì nhiều doanh nghiệp đang nằm trên bờ vực thua lỗ, phá sản vì gánh nặng nợ nần quá lớn(!).

Bên cạnh đó, muốn thu hút được nguồn tiền nhàn rỗi từ dân cư vào ngân hàng thì lãi suất huy động phải bảo đảm thực dương. Có bảo đảm lợi ích của người gửi tiền mới hi vọng có thể thu hút được nguồn vốn dồi dào để đáp ứng nhu cầu vốn cho phát triển kinh tế - xã hội rất lớn hiện nay. Cùng khoản lãi có được, mỗi đồng vốn gửi vào ngân hàng cũng là một viên gạch góp phần dựng xây đất nước.

Như vậy là trong bối cảnh của tình hình hiện nay, yêu cầu cấp bách là phải giải được hai vấn đề cùng lúc: lãi suất thực dương cho người gửi tiền và lãi suất cho vay vốn hợp lý để doanh nghiệp có thể làm ăn có hiệu quả. Đây là một thách thức lớn nhưng cần phải được giải quyết ổn thỏa theo hướng “vẹn cả đôi đường” nhằm tạo động lực mạnh mẽ thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển theo đúng định hướng và mục tiêu đã đề ra.

  • HẢI ĐĂNG
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Khởi mà chẳng… động !?   (14/04/2012)
“Múa gậy trong bị” !?  (07/04/2012)
Oan cho… “thượng đế” !?  (06/04/2012)
Nhận thức & hành động  (31/03/2012)
Hành động nhỏ, thay đổi lớn!  (31/03/2012)
Giao thông và những băn khoăn về phí  (25/03/2012)
Ảo & Thực !?  (24/03/2012)
Văn hóa tiêu dùng!  (23/03/2012)
Niềm tin vào thực phẩm  (18/03/2012)
Không chỉ tháng Ba !  (17/03/2012)
Lo từ chuyện… nhỏ !  (16/03/2012)
Tiết giảm … “năm sao” !?  (10/03/2012)
Khi giá xăng dầu tăng  (09/03/2012)
Mở lối vào đời  (04/03/2012)
Hành động là đích đến!  (04/03/2012)